Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021
2.1.2023
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Thực hiện Nghị quyết số 136/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chương trình giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021, Đoàn giám sát HĐND tỉnh xin báo cáo kết quả như sau:

I. VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, GIAI ĐOẠN 2016 - 2021

1. Việc tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản

Căn cứ các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản, trong giai đoạn 2016 - 2021, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong việc tổ chức thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 trên địa bàn tỉnh, tập trung việc lập quy hoạch, khoanh định các khu vực khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của tỉnh[1]; đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; phân công, phân nhiệm giữa các cấp, các ngành trong quá trình triển khai việc giám sát, xử lý vi phạm về khai thác khoáng sản. Đề xuất HĐND tỉnh về việc bổ sung quy hoạch khoáng sản, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh.

2. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản

Các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh đã tích cực phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước về khoáng sản dưới nhiều hình thức. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tổ chức phổ biến pháp luật về lĩnh vực khoáng sản cho các cán bộ, công chức, viên chức các cấp; phối hợp đài truyền thanh, truyền hình và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh tổ chức truyền thông, tuyên truyền các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản với nhiều hình thức góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản.

II. TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT TRONG VIỆC QUẢN LÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN GIAI ĐOẠN 2016 - 2021

1. Công tác lập, phê duyệt quy hoạch, khoanh định khu vực cấm hoạt động, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản

1.1. Công tác lập quy hoạch

Căn cứ Nghị quyết số 21/2017/NQ-HĐND, ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh về Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1918/QĐ-UBND, ngày 24/8/2017 khoanh định 86 khu vực mỏ khoáng sản với tổng diện tích là 1.319,36 ha.

1.2. Kết quả quản lý, thực hiện quy hoạch

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản đến năm 2020, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Việc cấp phép khai thác khoáng sản đảm bảo thực hiện đúng theo quy hoạch được duyệt.

Quá trình triển khai các dự án trọng điểm có sử dụng vốn ngân sách và các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh[2], UBND tỉnh đã đề xuất HĐND tỉnh xem xét, bổ sung quy hoạch thăm dò 07 mỏ đất làm vật liệu san lấp với diện tích 160,18 ha, trữ lượng dự báo khoảng 12,46 triệu m3 và 03 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường với diện tích 32,08 ha, trữ lượng dự báo 11,4 triệu m3.

2. Công tác quản lý nhà nước

2.1. Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về khoáng sản

Các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép thăm dò, khai thác, gia hạn… hoạt động khoáng sản được triển khai tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai và áp dụng hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.

Việc cấp phép khai thác khoáng sản theo hướng đơn giản về thành phần hồ sơ và quy trình giải quyết; công khai minh bạch trong quá trình thực hiện; hồ sơ giải quyết TTHC được trả đúng hạn đạt tỷ lệ khá cao; công tác rà soát, tham mưu công bố TTHC mới ban hành, bổ sung, sửa đổi đã được duy trì thực hiện thường xuyên; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước.

2.2. Cấp phép hoạt động khoáng sản

Toàn tỉnh hiện có 65 mỏ khoáng sản đang hoạt động khai thác, trong đó có 48 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp với diện tích 472 ha và 17 giấy phép khai thác do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp với diện tích 1527,86 ha (Chi tiết tại Phụ lục 1).

Riêng trong giai đoạn từ năm 2016 - 2021, UBND tỉnh đã cấp 29 giấy phép thăm dò khoáng sản với diện tích 286,18 ha; 40 giấy phép khai thác khoáng sản gồm: 15 giấy phép gia hạn; 02 giấy phép chuyển nhượng; 23 giấy phép cấp mới với tổng diện tích 294,74 ha; trữ lượng địa chất khoảng 14,68 triệu m3 (Chi tiết tại Phụ lục 2).

2.3. Công tác tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND, ngày 18/4/2018 về đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền UBND tỉnh năm 2018-2019. Năm 2020, đã tổ chức đấu giá 19/38 khu vực, không thành công 05 khu vực và chưa thực hiện 14 khu vực. Việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản.

2.4. Công tác quản lý, sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản

Giai đoạn 2016 - 2021, UBND tỉnh đã ban hành quyết định cho thuê đất đối với 40 tổ chức với tổng diện tích 379,5 ha để thực hiện dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Các khu vực khai thác khoáng sản được thực hiện thủ tục thuê đất chủ yếu là mỏ đất làm vật liệu san lấp, mỏ đá xây dựng thông thường, mỏ cát trắng... (Chi tiết tại Phụ lục 3).

2.5. Tình hình quản lý thu ngân sách

Giai đoạn 2016 - 2021, thu ngân sách nhà nước trong hoạt động tài nguyên khoáng sản, cụ thể như sau:

Năm

 

Sắc thuế

2016

2017

2018

2019

2020

2021

Tổng cộng

Thuế tài nguyên

51,6

68,7

78,8

80,2

79,7

84,2

443,1

Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

53,5

48,1

36,2

36,2

48,4

56

278,4

Phí Bảo vệ môi trường

18,6

21,2

25,5

29,1

28,1

30,4

152,9

Hàng năm, Cục Thuế đều lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra các đơn vị có hoạt động khoáng sản[3], đã xử phạt hoạt động khai thác khoáng sản trái phép của 60 đơn vị, truy thu 16,5 tỷ đồng.

2.6. Tình hình quản lý cải tạo phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ

Qua thanh tra, kiểm tra và thực hiện các cuộc vận động tuyên truyền, công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản được các doanh nghiệp quan tâm hơn, góp phần ngăn chặn, xử lý ô nhiễm và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Tất cả các giấy phép khai thác khoáng sản đều được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc giấy xác nhận, phê duyệt đề án phục hồi môi trường; hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Việc cải tạo phục hồi môi trường bước đầu được các doanh nghiệp triển khai thực hiện dưới sự giám sát của các sở, ban, ngành, địa phương. Các mỏ hoạt động khai thác khoáng sản đa phần được quy hoạch tại những khu vực xa dân cư, không có các công trình dân dụng, các di tích văn hóa… do vậy việc khai thác khoáng sản cơ bản ít ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và đời sống nhân dân.

Các sở ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.

Công tác đóng cửa mỏ bước đầu đi vào nề nếp, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục về cải tạo, phục hồi môi trường sau khi khai thác mỏ. Đến nay đã có 02 mỏ khoáng sản do UBND tỉnh cấp phép khai thác đã hoàn thành việc đóng cửa mỏ[4] và 08 mỏ đã được UBND tỉnh phê duyệt đề án đóng cửa mỏ[5].

2.7. Công tác quản lý bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

Thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã  và thành phố Huế tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép ở các khu vực khe suối, lòng sông. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác quản lý, trao đổi thông tin, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi giữa các lực lượng kiểm tra chuyên ngành trên địa bàn tỉnh[6].

2.8. Việc sử dụng công nghệ trong hoạt động khai thác khoáng sản

Trong quá trình phê duyệt dự án, phương án khai thác khoáng sản, UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp từng bước cải tiến công nghệ, dây chuyền trong quá trình thăm dò, khai thác, chế biến sâu tài nguyên khoáng sản. Đã ban hành danh mục chế biến sâu các sản phẩm từ khoáng sản cát thạch anh (gồm 18 nhóm sản phẩm), làm cơ sở cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện. Đến nay, đã có một số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm khoáng sản chế biến sâu[7]. Việc ứng dụng công nghệ trong chế biến khoáng sản đã góp phần tăng giá trị sản phẩm, tránh lãng phí tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường.

2.9. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản

Từ năm 2016 đến 2021, các cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều đợt thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản. Trọng tâm công tác thanh tra, kiểm tra là việc thực hiện khai thác khoáng sản theo giấy phép đã được cấp, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, doanh nghiệp.

Kết quả thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý 1.353 vụ việc vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản với tổng số tiền xử phạt là hơn 14,5 tỷ đồng[8]. Các hành vi vi phạm chủ yếu như: Khai thác vượt độ sâu; không báo cáo kết quả giám sát chất thải định kỳ; không thực hiện đúng các nội dung theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; không có công trình bảo vệ môi trường; tự ý đưa các công trình xử lý chất thải vào vận hành thử nghiệm khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền; khai thác cát, sỏi lòng sông. Công tác thanh tra, kiểm tra góp phần chấn chỉnh việc thực hiện các quy định về khai thác khoáng sản.

3. Tình hình, kết quả thực hiện các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh

3.1. Về thực hiện nghĩa vụ tài chính

Hầu hết các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản cơ bản thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định. Một số đơn vị kê khai không đúng quy định đã kịp thời khắc phục, chưa có trường hợp nào vi phạm nghiêm trọng.

3.2. Việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khoáng sản

Các tổ chức, cá nhân cơ bản chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động khoáng sản như: chấp hành thời hạn khai thác được cấp phép, thực hiện các thủ tục gia hạn khi giấy phép hết hạn; thông báo thời gian khai thác, cắm mốc giới khu vực được cấp phép và khai thác đúng chỉ giới, đúng độ sâu cho phép, sản lượng khai thác phù hợp thiết kế mỏ đã phê duyệt, phù hợp công suất quy định; thực hiện việc báo cáo sản lượng và kê khai nộp thuế, phí theo sản lượng khai thác hằng năm; áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động; bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ, mua bảo hiểm... theo quy định.

3.3. Việc thực hiện bảo vệ môi trường

Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản đều lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường và đề án cải tạo phục hồi môi trường theo quy định. Trong quá trình hoạt động đã thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, như: phun ẩm đường vận chuyển và khu vực nghiền sàng hạn chế bụi phát tán; xây dựng hệ thống thu gom nước thải, nước mặt... (Chi tiết tại Phụ lục 4).

3.4. Việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác khoáng sản

Các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đã thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi tương đối đầy đủ, đúng pháp luật. Theo đó, đối với các mỏ khoáng sản do UBND tỉnh cấp, nhà đầu tư thực hiện thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận bồi thường tài sản gắn liền với đất đối với các trường hợp không đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất và người sử dụng đất có văn bản trả lại đất cho Nhà nước để cho nhà đầu tư thuê đất. Đối với các mỏ khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, nhà đầu tư phối hợp với các ngành, địa phương liên quan thực hiện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật. Kết thúc hoạt động khai thác, các chủ đầu tư thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, chuyển trả đất cho địa phương quản lý, sử dụng.

3.5. Việc quản lý, sử dụng đất khai thác khoáng sản

Việc quản lý, sử dụng đất hoạt động khoáng sản đã được các chủ đầu tư triển khai thực hiện cơ bản theo quy định. Sau khi hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, các chủ đầu tư đã triển khai thực hiện việc tạo hành lang an toàn khu vực khai thác, mặt bằng bến, bãi tập kết chế biến khoáng sản theo đúng quy mô, diện tích đất đã được cấp phép khai thác.

3.6. Tình hình thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Một số tổ chức, doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản bước đầu đã thể hiện trách nhiệm xã hội như tiếp nhận lực lượng lao động địa phương vào làm việc, phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn… Hỗ trợ các gia đình chính sách, hỗ trợ địa phương như tặng quà Tết người nghèo, ủng hộ các quỹ trẻ em nghèo vượt khó, hội thanh niên xung phong, hội nạn nhân chất độc màu da cam.

III. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ

1. Đánh giá chung

Trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản đạt được một số kết quả nhất định, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là triển khai các chương trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động khai thác khoáng sản được quản lý và thực hiện theo quy hoạch phê duyệt; công tác cấp phép, giải quyết thủ tục hành chính có liên quan được thực hiện đúng quy trình, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản. Một số địa phương đã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác và vận chuyển khoáng sản tại địa bàn.

Các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản đã cơ bản chấp hành các quy định của nhà nước, thực hiện thăm dò, khai thác theo Giấy phép được cấp, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Một số doanh nghiệp bước đầu đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ chế biến, tận thu tối đa nguồn khoáng sản, nâng cao hiệu quả kinh tế. Một số tổ chức, cá nhân đã tích cực hỗ trợ, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi cho địa phương.

Sản lượng khai thác khoáng sản tăng hằng nằm đã tạo ra nguồn sản phẩm đáp ứng nhu cầu nguồn nguyên vật liệu phục vụ thi công các công trình, dự án và đóng góp nguồn lực tài chính cho ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lao động tại các địa phương (Chi tiết tại phụ luc 5).

2. Hạn chế, vướng mắc

2.1. Hạn chế

Một là, hầu hết các địa phương chưa thực hiện báo cáo đúng định kỳ về hoạt động khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản năm 2010.

Hai là, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đá granite làm đá ốp lát sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu do đó chưa tận dụng tối đa tài nguyên khoáng sản, gây lãng phí và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Ba là, vẫn còn một số đơn vị khai thác khoáng sản chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định (nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nợ thuế tài nguyên, nợ phí bảo vệ môi trường, chưa ký quỹ bảo vệ môi trường,...)[9].

Bốn là, một số tổ chức, doanh nghiệp cắm mốc ranh giới khu vực khai thác không đúng với Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, tổ chức khai thác ngoài phạm vi đã được cấp, khai thác vượt độ sâu, khai thác vượt công suất đã được cấp phép[10].

Năm là, trên địa bàn tỉnh có 15 khu vực mỏ đã hết hạn thời gian khai thác nhưng doanh nghiệp vẫn chưa lập đề án đóng cửa mỏ trình UBND tỉnh phê duyệt. Kết quả giám sát thực tế cho thấy nhiều mỏ chưa thực hiện công tác cải tạo môi trường, tiến hành thủ tục đóng cửa mỏ gây ảnh hưởng môi trường và mất an toàn cho người dân (Chi tiết tại phụ lục 6).

Sáu là, một số trường hợp chưa hoàn thành các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thủ tục về thuê đất[11] nhưng đã tiến hành khai thác khoáng sản.

Bảy là, việc quản lý, kiểm tra vật liệu nổ công nghiệp phục vụ khai thác khoáng sản chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng mất vật liệu nổ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương[12].

Tám là, một số tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa tích cực hỗ trợ, nâng cấp, duy tu hạ tầng giao thông trong quá trình vận chuyển khoáng sản đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân; chưa nghiêm túc thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

2.2. Vướng mắc

- Các khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác và dự trữ khoáng sản cát trắng tại huyện Phong Điền chồng lấn với quy hoạch khác và chồng lấn đất nghĩa trang, khu dân cư hiện hữu... ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như cuộc sống của người dân.

- Quá trình khai thác đá vôi tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền của công ty cổ phần xi măng Đồng Lâm đã gây ra tình trạng sụt lún đất, gây mất nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến diện tích đất trồng lúa, nhà cửa của người dân.

- Việc khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác khoáng sản, đáp ứng nhu cầu đất làm vật liệu san lấp cho các công trình trọng điểm của tỉnh. Tuy nhiên, do dự báo cung cầu từng địa điểm chưa chính xác nên để xảy ra tình trạng mỏ đất làm vật liệu san lấp được chỉ định thầu bị dôi dư trữ lượng khai thác, nhưng không được phép tiêu thụ cho các mục đích, công trình khác[13].

- Hiện nay, nguồn tài nguyên cát trên địa bàn tỉnh có trữ lượng không đáng kể, khả năng cấp phép khai thác không hiệu quả, dẫn đến khan hiếm nguồn vật liệu trên thị trường, gây ra tình trạng khai thác trái phép, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

- Việc cấp phép bãi tập kết vật liệu cát sỏi tại một số vị trí chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong việc tập kết cát sỏi, gây mất an toàn giao thông, môi trường.

- Phương án khai thác khoáng sản ở một số khu vực mỏ chưa hợp lý, tạo thành nhiều hồ sâu không thể hoàn thổ, lãng phí diện tích đất rừng, ảnh hưởng đến môi trường và an toàn tính mạng của người dân.

- Hạ tầng giao thông xuống cấp và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do hoạt động vận chuyển khoáng sản gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là khu vực đường Tỉnh lộ 16 đoạn qua thị xã Hương Trà, đường Dạ Lê đoạn qua thị xã Hương Thủy...

3. Nguyên nhân

- Công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực thi pháp luật về hoạt động khoáng sản hiệu quả chưa cao, chưa tác động đến các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.

- Thời gian qua, có nhiều dự án trọng điểm được triển khai như: dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan; dự án nhà ga T2 sân bay Phú Bài; dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế... nhu cầu nguyên vật liệu (nhất là đất K95, K98) là rất lớn, cấp bách vì vậy gây thiếu hụt nguồn cung khoáng sản.

- Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản chưa chặt chẽ, đặc biệt là công tác cập nhật thông tin về quy hoạch, cấp phép khai thác khoáng sản, thông tin khớp nối giữa trữ lượng khai thác và thu ngân sách... Trong quá trình thực hiện, một số sở, ngành, địa phương chưa xác định rõ nhiệm vụ cụ thể và chưa nêu cao trách nhiệm trong quản lý các hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

- Ý thức trong việc chấp hành pháp luật của một số tổ chức, doanh nghiệp về khoáng sản chưa cao, không nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước.

- Công tác điều tra cơ bản về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh chưa toàn diện; mức độ điều tra chưa chi tiết, số liệu đánh giá độ tin cậy chưa cao; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu đầy đủ về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

- Mức ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường thấp (chỉ từ 1-3% tổng mức đầu tư), cho nên các tổ chức, doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường khi hoàn thổ, đóng cửa mỏ.

IV. KIẾN NGHỊ

1. Đối với Quốc hội

Luật Thuế tài nguyên môi trường đến nay có một số điểm bất cập, chưa phù hợp với thực tế, trong đó quy định về giá tính thuế tài nguyên và quy định về người nộp thuế. Vì vậy đề nghị Quốc hội chỉ đạo rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tài nguyên, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tiễn.

2. Đối với UBND tỉnh

- Chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, bổ sung các khu vực có trữ lượng khoáng sản vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, kịp thời đáp ứng các công trình, dự án triển khai trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo các ngành tăng cường phối hợp trong việc quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, nhất là quy chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa các ngành tài nguyên và môi trường - thuế - công an - các địa phương.

- Chỉ đạo các ngành trong quá trình thẩm định, cấp phép các dự án đầu tư khai thác khoáng sản cần có chính sách ưu tiên, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại nhằm khai thác triệt để khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường.

- Chỉ đạo các ngành phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch khoáng sản nhằm bổ sung, điều chỉnh một số khu vực khoáng sản[14] đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của người dân.

- Chỉ đạo việc đánh giá tình trạng sụt lún, mất nguồn nước ngầm tại khu vực mỏ đá vôi xã Phong Xuân, huyện Phong Điền nhằm đảm bảo ổn định đời sống nhân dân và đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

- Ưu tiên bố trí nguồn lực nhằm nâng cấp, cải tạo hệ thống đường giao thông xuống cấp do hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là Tỉnh lộ 16 đoạn qua thị xã Hương Trà, đường Dạ Lê đoạn qua thị xã Hương Thủy…

3. Đối với các Sở, ngành

a) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Quá trình lập quy hoạch thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản, cần kết hợp quy hoạch các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác khoáng sản (bãi thải, bãi tập kết, đường vận chuyển…).

- Thường xuyên phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là tiến độ đóng cửa mỏ khoáng sản.

- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu điều chỉnh tăng mức ký quỹ bảo vệ môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản nhằm thực hiện công tác hoàn thổ, phục hồi và bảo vệ môi trường sau khai thác.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương rà soát trữ lượng còn lại của các mỏ khoáng sản hết thời gian khai thác để tham mưu phương án cấp quyền khai thác phục vụ các dự án trọng điểm, nhu cầu của các địa phương, tránh tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan đề xuất phương án khai thác khoáng sản gắn với phương án phục hồi môi trường, đánh giá tác động môi trường trong quá trình thẩm định, trình phê duyệt các dự án khai thác khoáng sản.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu điều chỉnh việc khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo hướng không quy định cụ thể công trình sử dụng ngân sách nhà nước cần cung cấp khoáng sản; chỉ quy định theo lĩnh vực: công trình phát triển hạ tầng giao thông; công trình thủy lợi, thủy điện; công trình khắc phục thiên tai, địch họa; công trình hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới[15]...

b) Sở Xây dựng

- Phối hợp với các địa phương rà soát hệ thống các bến, bãi kinh doanh tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, đồng thời tạo điều kiện bổ sung một số điểm tập kết vật liệu phù hợp với thực tiễn. Tham mưu UBND tỉnh sửa đổi Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND, ngày 03/01/2019 của UBND tỉnh Quy định về quản lý, sử dụng các bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Tham mưu hỗ trợ, phát triển sản xuất vật liệu xây dựng thay thế cát tự nhiên. Tham mưu UBND tỉnh về việc sử dụng cát nghiền nhân tạo trong quá trình phê duyệt các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư Nhà nước.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư

Đẩy mạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp các thủ tục hành chính trong quá trình nghiên cứu đầu tư dự án khai thác khoáng sản và tổ chức giám sát, theo dõi việc thực hiện dự án theo đúng quy định.

d) Cục Thuế

Tăng cường công tác kiểm tra, kê khai khối lượng tài nguyên, khoáng sản; đồng thời truy thu các loại thuế, phí đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản.

e) Công an tỉnh

Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn.

4. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế

- Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn theo quy định Luật Khoáng sản.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản thực hiện đúng quy định của pháp luật.

- Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm; phối hợp giải quyết các thủ tục liên quan đến thuê đất, chuyển loại rừng... nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

- Đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động khoáng sản trên địa bàn, nhất là phương án khai thác khoáng sản được phê duyệt, thời hạn hoạt động khai thác, công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường.

- Định kỳ tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 81 Luật khoáng sản năm 2010.

Trên đây là báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong việc quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021, Đoàn giám sát kính báo cáo HĐND tỉnh xem xét, quyết định./.

 

[1] Quyết định số 61/2017/QĐ-UBND ngày 11/8/2017 của UBND tỉnh về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số 98/2017/QĐ-UBND ngày 01/12/2017 của UBND tỉnh ban hành Quy định về quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số 73/2019/QĐ-UBND ngày 28/11/2019 của UBND tỉnh sửa đổi một số điều của Quy định quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kèm theo Quyết định số 98/2017/QĐ-UBND ngày 01/12/2017 của UBND tỉnh; Quyết định số 29/2020/QĐ-UBND ngày 20/5/2020 Quy định tiêu chí và cách thức lựa chọn để cấp giấy phép thăm dò khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định số 55/2020/QĐ-UBND ngày 07/11/2020 Quy định hệ số quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định số 35/2021/QĐ-UBND ngày 04/6/2021 về việc Quy định trình tự thủ tục thực hiện, giám sát, quản lý dự án đầu tư và xây dựng không sử dụng vốn ngân sách nhà nước…

[2] Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn tỉnh; Dự án Chương trình Phát triển các Đô thị loại II (Đô thị Xanh); Dự án mở rộng Nhà ga hành khách T2- Cảng hàng không quốc tế Phú Bài và các Dự án có sử dụng nguồn vốn ngân sách.

[3] Giai đoạn 2016 - 2021 đã ban hành 67 quyết định thanh tra, kiểm tra các đơn vị khai thác tài nguyên khoáng sản.

[4] Mỏ đất làm vật liệu san lấp và mỏ đất sét tại khu vực thôn Phò Ninh, xã Phong An, huyện Phong Điền của Công ty Cổ phần 1-5

[5] (1) Mỏ sa khoáng titan tại xã Điền Hải, huyện Phong Điền; (2) Mỏ đất làm vật liệu san lấp tại khu vực núi Quện, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc; (3) Mỏ cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại bãi bồi thôn Hạ, xã Thuỷ Bằng, thị xã Hương Thuỷ; (4) Mỏ đá sét vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực thôn 5, xã Thượng Long, huyện Nam Đông; (5) Mỏ đất làm vật liệu san lấp tại khu vực Phường Hóp, xã Phong An, huyện Phong Điền; (6) Mỏ khoáng sản quặng sa khoáng titan tại khu vực xã Phong Hải, huyện Phong Điền; (7) Mỏ khoáng sản quặng sa khoáng titan tại khu vực xã Phong Hải, xã Điền Hải và xã Điền Hòa thuộc huyện Phong Điền; (8) Mỏ khoáng sản quặng sa khoáng titan tại khu vực xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền

[6] Tại Quyết định số 89/2017/QĐ-UBND ngày 19/10/2017.

[7] Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biết bột, cát thạch anh ít sắt chất lượng cao của công ty Hue Premium Silica sử dụng công nghệ chế biến cát của Cộng hòa Liên Bang Đức cho phép sàn lọc 92% lượng cát chất lượng cao từ khoáng sản cát thô; Dự án sản xuất menfrit của Công ty cổ phần Frit Huế; Dự án nhà máy chế biến vật liệu Cristobalite của Công ty TNHH MTV đầu tư và chế biến khoáng sản Phenikaa Huế…

[8] Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện và xử lý 91 trường hợp với số tiền xử phạt 1.841.500.000 đồng; Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đối với 23 trường hợp với số tiền xử phạt là 7.410.000.000 đồng. Công an tỉnh đã phát hiện và xử lý 1.239 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt là 5.264.250.000 đồng.

[9] Nợ các loại thuế của các doanh nghiệp là 11,002 tỷ đồng

[10] Tại khu vực Trốc Voi, phường Thuỷ Phương, thị xã Hương Thuỷ do công ty Hoàng Ngọc khai thác, tại khu vực đồi Khe Quan, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy...

[11] tại khu vực than bùn của công ty Vật tư nông nghiệp Thừa Thiên Huế, công ty cổn phần tư vấn xây dựng và thương mại Nhật Thu...

[12] Tại mỏ đá Khe Diều, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc của công ty cổ phần vật liệu xây dựng 368 năm 2017.

[13] Cụ thể: khu vực khai thác đá làm vật liệu xây dựng khu vực thôn 5, xã Thượng Long, huyện Nam Đông được cấp mỏ theo phương thức chỉ định phục vụ cho dự án đường cao tốc La Sơn - Tuy Loan. Hiện dự án cao tốc đã hoàn thành trong khi trữ lượng khoáng sản tại khu vực này vẫn còn; tuy nhiên, không thể cung cấp cho các công trình, dự án trên địa bàn huyện gây lãng phí nguồn tài nguyên.

[14] Khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác và dự trữ khoáng sản cát trắng cho công nghiệp vật liệu xây dựng, huyện Phong Điền

[15] Điểm đ Khoản 1 Điều 22 của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.

Approved Trang thai