Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 14/7/2020 của HĐND tỉnh
2.1.2023
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Thực hiện Chương trình công tác năm 2022, Ban pháp chế đã thành lập Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 14/7/2020 của HĐND tỉnh Quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách (KCT); mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (gọi tắt là Nghị quyết 06).

Qua nghiên cứu báo cáo và làm việc tại một số đơn vị, địa phương, Ban pháp chế báo cáo kết quả giám sát như sau:

I. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 06

1. Đặc điểm tình hình và công tác triển khai thực hiện

Thừa Thiên Huế có 09 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện (01 thành phố, 02 thị xã, 06 huyện); 141 ĐVHC cấp xã (95 xã, 39 phường, 07 thị trấn) và 1.104 thôn, tổ dân phố (652 thôn, 452 tổ dân phố). Trong đó: Có 101 ĐVHC cấp xã loại 1; 37 ĐVHC cấp xã loại 2; 03 ĐVHC cấp xã loại 3 và 63 thôn, tổ dân phố loại 1; 121 thôn, tổ dân phố loại 2; 920 thôn, tổ dân phố loại 3. Có 54 xã thuộc vùng khó khăn với 356 thôn; 07 xã bãi ngang, ven biển với 44 thôn và 12 xã biên giới với 65 thôn.

Thực hiện Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 14/7/2020 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 7190/UBND-NV ngày 11/8/2020 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 06. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của tỉnh, các đơn vị, địa phương đã kịp thời triển khai thực hiện, tiến hành sắp xếp, bố trí số lượng người hoạt động KCT và chi mức hỗ trợ, mức khoán cho các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, thôn, tổ dân phố theo quy định.

2. Về sắp xếp, bố trí chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động KCT, mức hỗ trợ và mức khoán kinh phí các tổ chức chính trị - xã hội

Thực hiện Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh, các đơn vị, địa phương cơ bản đã sắp xếp, bố trí số lượng người hoạt động KCT ở cấp xã, thôn, tổ dân phố theo quy định. Trong đó, số lượng người hoạt động KCT ở cấp xã được bố trí theo loại ĐVHC: Cấp xã loại 1 được bố trí tối đa 12 người, cấp xã loại 2 được bố trí tối đa 11 người và cấp xã loại 3 được bố trí tối đa 09 người; ở thôn, tổ dân phố bố trí 03 chức danh người hoạt động không chuyên trách là: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận. Số lượng, chất lượng người hoạt động KCT ở cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh hiện nay cụ thể như sau:

a) Đối với người hoạt động chuyên trách cấp xã:

- Số lượng người đảm nhận các chức danh theo quy định tại 141 xã, phường, thị trấn, tối đa là 1.646 người; tính đến tháng 9/2022 có 1.406 người (bình quân 9,97 người/ĐVHC) và số người kiêm nhiệm thêm hoạt động chuyên trách khác là 240 người.

- Chất lượng về trình độ chuyên môn: Đại học trở lên có 796 người (56,61%); Cao đẳng có 114 người (8,11%); Trung cấp có 215 người (15,29%); còn lại 281 người (19,99%) chưa qua đào tạo. Về trình độ chính trị: Cao cấp có 06 người (0,43%); Trung cấp có 439 người (31,22%); còn lại 961 người (68,35%) chưa qua đào tạo.

b) Đối với người hoạt động KCT ở thôn, tổ dân phố:

- Số lượng người đảm nhận các chức danh theo quy định tại 1.104 thôn, tổ dân phố (652 thôn, 452 tổ dân phố) tối đa là 3.312 người; tính đến 31/12/2021 có 3.233 người (bình quân 2,93 người/thôn, tổ dân phố) và số người kiêm nhiệm thêm hoạt động KCT khác là 79 người.

- Chất lượng về trình độ chuyên môn: Đại học trở lên có 474 người (14,66%); Cao đẳng có 73 người (2,26%); Trung cấp có 388 người (12,00%); còn lại 2.298 người (71,08%) chưa qua đào tạo. Về trình độ chính trị: Cao cấp có 04 người (0,12%); Trung cấp có 619 người (19,15%); còn lại 2.610 người (80,73%) chưa qua đào tạo.

Các đơn vị, địa phương đã quan tâm cơ bản thực hiện tốt việc chi trả mức phụ cấp đối với người hoạt động KCT ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố; mức phụ cấp kiêm nhiệm và chế độ hỗ trợ người có trình độ Đại học trở lên (hàng tháng được hưởng thêm hệ số 0,3 lần mức lương cơ sở) theo quy định. Đã triển khai thực hiện chi trả mức bồi dưỡng 300.000 đồng/người/tháng cho người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố đối với các chức danh Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh; Chi hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ; Chi hội trưởng Hội Nông dân; Bí thư Chi đoàn thanh niên[1]; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã[2] và ở thôn, tổ dân phố[3].

3. Sắp xếp các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh

HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện việc sắp xếp các thôn, tổ dân phố, nhất là các thôn, tổ dân phố có quy mô nhỏ. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã giảm được 384 thôn, tổ dân phố[4]. Việc sắp xếp, chia tách các thôn, tổ dân phố quy mô lớn, sáp nhập thôn, tổ dân phố có quy mô nhỏ được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao; góp phần tinh gọn bộ máy, giảm ngân sách của địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền và hiệu quả đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội.

II. Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 06

1. Ưu điểm

Thời gian qua, các cấp, ngành đã kịp thời, chủ động triển khai Nghị quyết 06 có hiệu quả. Các đơn vị, địa phương đã quan tâm, bố trí số lượng người hoạt động KCT cơ bản theo đúng quy định. Việc bố trí kiêm nhiệm các chức danh hoạt động KCT, nhất là việc bố trí kiêm nhiệm chức danh thủ quỹ theo quy định tại Nghị quyết 06 đã góp phần giảm số người hoạt động KCT ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố, tăng thu nhập cho những người hoạt động kiêm nhiệm, giúp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đội ngũ người hoạt động KCT ở cơ sở. Đã quan tâm xây dựng kế hoạch đào tạo, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho những người hoạt động KCT ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, đồng thời cử tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do các cấp, các ngành tổ chức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

So với Nghị quyết số 15/2014/NQ-HĐND ngày 12/12/2014 của HĐND tỉnh, Nghị quyết 06 quy định giảm cả về số lượng, chức danh người hoạt động KCT ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố.[5] Qua đó, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Về chế độ chính sách, mức phụ cấp, mức khoán kinh phí được quy định tại Nghị quyết 06 được điều chỉnh tăng so với trước đây góp phần thu hút được người có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ tham gia hoạt động tại cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã kế cận trong tương lai; đồng thời, tạo điều kiện để các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố triển khai thực hiện các hoạt động có hiệu quả.

2. Khó khăn, hạn chế và nguyên nhân

2.1. Khó khăn, hạn chế

- Về quy định pháp luật:

+ Hiện nay, chưa có văn bản quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ của những người hoạt động KCT cấp xã, vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nếu có vi phạm xảy ra rất khó xử lý trách nhiệm cá nhân cũng như là cơ sở để thực hiện việc đánh giá, xếp loại, thi đua khen thưởng, kỷ luật.

+ Tại các đơn vị cấp xã đều có bố trí 02 chức danh tạp vụ và bảo vệ; tuy nhiên, theo quy định đây không phải là những người hoạt động KCT mà thực hiện chế độ hợp đồng lao động theo mức lương tối thiểu vùng, tính theo báo cáo các đơn vị chi trả cao hơn cả người hoạt động KCT cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã nếu mới ra trường[6] và sử dụng nguồn kinh phí hoạt động của các đơn vị hàng năm nên nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách.

+ Theo khoản 3, Điều 2 Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ quy định “Cán bộ, công chức cấp xã được kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã” và khoản 3, Điều 11 Thông tư 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ quy định “Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh người hoạt động KCT ở cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm”. Tuy nhiên, do yêu cầu công tác cán bộ, ở một số địa phương phải bố trí cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh người hoạt động KCT ở thôn, tổ dân phố nhưng không được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm do không có quy định.

+ Về chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố: Tại khoản 6, Điều 2 Nghị định 34/2019/NĐ-CP quy định “Riêng đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 5,0 lần mức lương cơ sở”.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tổ dân phố có quy mô số hộ, số nhâu khẩu lớn, áp lực thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động KCT cao, phải thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, đảm bảo an ninh, trật tự ở địa phương. Chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không KCT ở tổ dân phố có quy mô trên 350 hộ không có sự khác biệt so với các tổ dân phố có quy mô nhỏ hơn.

Bên cạnh đó, theo Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND ngày 11/5/2021 của UBND tỉnh về tiêu chí phân loại thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế quy định mục đích của việc phân loại nhằm “…làm cơ sở để thực hiện chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.” và tại khoản 2, Điều 4 của quyết định này quy định về phân loại tổ dân phố như sau:

“a) Đối với tổ dân phố thuộc phường, thị trấn đồng bằng:

Tổ dân phố loại 1: Từ 650 hộ gia đình trở lên.

Tổ dân phố loại 2: Từ 500 hộ gia đình đến dưới 650 hộ gia đình.

Tổ dân phố loại 3: Dưới 500 hộ gia đình.

b) Đối với tổ dân phố thuộc thị trấn miền núi:

Tổ dân phố loại 1: Từ 450 hộ gia đình trở lên.

Tổ dân phố loại 2: Từ 300 hộ gia đình đến dưới 450 hộ gia đình.

Tổ dân phố loại 3: Dưới 300 hộ gia đình.”

Như vậy, mặc dù đã đề ra các quy định về tiêu chí phân loại tổ dân phố nhưng các chế độ, chính sách đối với người hoạt động KCT theo từng loại tổ dân phố cơ bản không có sự khác biệt.

+ Chưa có quy định về hỗ trợ kinh phí hoạt động của thôn, tổ dân phố, do đó, gây khó khăn cho cơ sở trong việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ.

+ Những người hoạt động KCT ở thôn, tổ dân phố chưa được quy định thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nên các địa phương chưa có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.

- Về sắp xếp, bố trí chức danh người hoạt động KCT:

+ Ngoài chức danh thủ quỹ theo quy định bắt buộc phải do cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm, việc không quy định cụ thể các chức danh còn lại phải bố trí kiêm nhiệm đã tạo điều kiện thuận lợi để địa phương chủ động bố trí nhân sự, tuy nhiên, một số địa phương chưa triển khai quyết liệt bố trí kiêm nhiệm theo tinh thần tại điểm a, khoản 5, Điều 1 Nghị quyết 06.

+ Tại điểm a, khoản 1, Điều 4 Nghị định 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định “…Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã trong số lượng người hoạt động KCT ở cấp xã quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động KCT ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố”. Đối với chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã đã được xác định là người hoạt động KCT cấp xã và bố trí số lượng theo định mức tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP; tuy nhiên, tại Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND không quy định đối tượng này là người hoạt động KCT nên một số địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện chế độ hỗ trợ 0,3 lần mức lương cơ sở như trường hợp người hoạt động KCT khác có trình độ đại học trở lên theo quy định tại Nghị quyết 06.

+ Tại Điều 3 Nghị quyết 06 quy định “Đối với chức danh khác đã được quy định tại Nghị quyết số 15/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, nếu chưa có văn bản hướng dẫn chuyên ngành thay thế thì vẫn áp dụng các mức phụ cấp quy định tại Nghị quyết số 15/2014/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2014 của HĐND tỉnh”. Qua giám sát cho thấy, có nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc hiểu, áp dụng quy định này, dẫn đến việc không thống nhất trong triển khai thực hiện.

+ Chức danh Văn phòng Đảng ủy là đầu mối tham mưu, giúp việc quan trọng, góp phần đảm bảo thông suốt hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng cơ sở mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ, thường trực cấp ủy trong tổ chức, điều hành công việc. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay Văn phòng Đảng ủy không thuộc đối tượng là cán bộ, công chức cấp xã mà thực hiện chế độ, chính sách người hoạt động KCT cấp xã theo Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh.

- Về chế độ chính sách:

+ Chế độ phụ cấp của người hoạt động KCT ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố được nâng lên, tuy nhiên, so với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay chưa đảm bảo được đời sống nên chưa khuyến khích những người hoạt động KCT yên tâm công tác. Mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố còn khá thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là các tổ chức đoàn thể thường xuyên tổ chức các hoạt động như Đoàn Thanh niên cấp xã.

+ Một số địa phương chưa triển khai thực hiện đúng quy định về mức bồi dưỡng cho đối tượng là Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Bí thư chi đoàn Thanh niên, mức khoán đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố hoặc đã hỗ trợ nhưng mức thực hiện chưa bảo đảm đúng quy định tại Nghị quyết 06[7].

2.2. Nguyên nhân

- Một số quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn; chưa có quy định cụ thể về vị trí pháp lý, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, tuyển dụng, thời gian làm việc, cơ sở đánh giá hiệu quả công tác,... đối với các chức danh người hoạt động KCT ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.

- Cấp ủy và chính quyền một số địa phương thiếu sự kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn giúp cơ sở tháo gỡ các khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí, thực hiện chế độ, chính sách của đội ngũ cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách.

- Nguồn ngân sách của một số đơn vị, địa phương còn khó khăn nên chưa bố trí đủ kinh phí hoạt động cho các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố theo quy định. Điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn, ngân sách hạn chế nên chưa có sự hỗ trợ thêm ngoài các chế độ, chính sách chung theo quy định của Nhà nước đối với người hoạt động KCT.

III. Đề xuất, kiến nghị

1. Đối với các cơ quan Trung ương

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP theo hướng tổng hợp các đối tượng được quy định tại nhiều văn bản chuyên ngành (Công an viên; Nhân viên thú y cấp xã; Nhân viên y tế thôn, bản; Ban bảo vệ dân phố,…) để ban hành Nghị định chung nhằm quy định thống nhất về chức danh, chế độ, chính sách đối với trường hợp người được giao thực hiện các nhiệm vụ, công việc tại cấp xã, ở thôn, tổ dân phố cho phù hợp; đồng thời, tạo sự chủ động cho các địa phương trong việc bố trí số lượng, mức phụ cấp của người hoạt động KCT ở cấp xã và thôn, tổ dân phố phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của mình. Nghiên cứu trình cấp thẩm quyền bổ sung chức danh Văn phòng Đảng ủy là công chức cấp xã. Về mức phụ cấp đối với người hoạt động KCT ở thôn, tổ dân phố, đề nghị điều chỉnh mức khoán quỹ phụ cấp cho 03 chức danh Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận phù hợp với từng loại thôn, tổ dân phố, chứ không chỉ áp dụng riêng đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo.

Tại Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản nhưng quy định áp dụng đối với nhân viên y tế ở tổ dân phố. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện công tác y tế, y tế dự phòng cho thấy vai trò của nhân viên y tế ở Tổ dân phố là cần thiết và trên thực tế theo yêu cầu nhiệm vụ ngành y tế đòi hỏi phải bố trí chức danh. Vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg theo hướng bổ sung chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế ở Tổ dân phố.

Kiến nghị Bộ Nội vụ sửa đổi Thông tư 13/2019/TT-BNV theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp kiêm nhiệm; cụ thể trong trường hợp do yêu cầu công tác cán bộ, cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động KCT ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm chức danh người hoạt động KCT ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm.

2. Đối với UBND các cấp

2.1. UBND tỉnh

Thứ nhất, đối với các chức danh đã có văn bản chuyên ngành quy định và chưa có sự thay đổi về cơ sở pháp lý, như: Tổ trưởng bảo vệ dân phố; Tổ phó bảo vệ dân phố; Tổ viên bảo vệ dân phố[8] và nhân viên y tế thôn, bản[9]; căn cứ Điều 3, Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh về điều khoản chuyển tiếp, đề nghị các đơn vị tiếp tục chi trả chế độ theo quy định tại Nghị quyết 15/2014/NQ-HĐND, đồng thời, UBND tỉnh cần rà soát, nghiên cứu, sớm xây dựng mức phụ cấp đối với các đối tượng để trình HĐND tỉnh quyết định theo thẩm quyền. Tiến hành rà soát trình HĐND tỉnh điều chỉnh một số mức phụ cấp cho người hoạt động KCT, mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố, tăng mức khoán kinh phí hoạt động cho các tổ chức chính trị  xã hội ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố phù hợp với tình hình thực tế và tính chất hoạt động của từng đơn vị, tổ chức.

Ngoài ra, tại khoản 5, Điều 2, Nghị định 34/2019/NĐ-CP quy định “căn cứ vào quỹ phụ cấp quy định tại khoản 1 Điều này và căn cứ vào đặc thù của từng cấp xã, yêu cầu quản lý, tỷ lệ chi thường xuyên của cấp xã, nguồn kinh phí chi cho cải cách chính sách tiền lương của địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể những nội dung sau: a) Quy định chức danh và bố trí số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã bằng hoặc thấp hơn quy định tại Điều 13 Nghị định này; b) Quy định cụ thể về mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; c) Quy định cụ thể mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã phù hợp với tình hình thực tế của địa phương” và khoản 3, Điều 21 Nghị định 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước[10], đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu trình HĐND tỉnh ban hành mức hỗ trợ thêm cho các đối tượng người hoạt động KCT phù hợp với khả năng ngân sách địa phương theo quy định.

Thứ hai, bố trí, phân bổ kinh phí và hướng dẫn việc chi trả phụ cấp cho người hoạt động KCT ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố, mức hỗ trợ cho các chi hội trưởng, mức khoán kinh phí cho các tổ chức chính trị - xã hội đảm bảo đúng quy định; định kỳ tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện.

Thứ ba, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác, gắn đào tạo lý luận với thực tiễn, nâng cao khả năng nhận thức, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của đội ngũ người hoạt động KCT ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

2.2. UBND cấp huyện, cấp xã

Một là, chỉ đạo việc bố trí, sắp xếp đội ngũ và chi trả các khoản phụ cấp, mức khoán kinh phí cho tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo đúng quy định; hướng dẫn, khuyến khích UBND cấp xã thực hiện việc kiêm nhiệm các chức danh những người hoạt động KCT nhằm tinh gọn đội ngũ.

Hai là, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn xác định rõ vị trí việc làm để bố trí các chức danh người hoạt động KCT phù hợp; tăng cường kiểm tra, giám sát, phản ánh kịp thời những bất hợp lý phát sinh trong thực tiễn; quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ những người hoạt động KCT ở cấp xã, nhất là trong việc tuyển chọn, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng. Hướng dẫn các địa phương áp dụng Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/2/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu có nhu cầu.

Ba là, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức, hoạt động các thôn, tổ dân phố trên địa bàn, bảo đảm có quy mô dân số theo quy định của pháp luật và phù hợp với đặc thù ở từng địa phương.

Trên đây là báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 14/7/2020 của HĐND tỉnh./.

 

[1] Các huyện: Phú Vang, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền.

[2] Đối với các xã miền núi, bãi ngang: 17,5 triệu đồng/tổ chức/năm; các xã đồng bằng, thành phố: 15 triệu đồng/tổ chức/năm.

[3] Thôn thuộc xã đặc biệt khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn: 03 triệu đồng/tổ chức/năm. Thôn, tổ dân phố còn lại: 02 triệu đồng/tổ chức/năm.

[4] Năm 2015 toàn tỉnh có 1.488 thôn, tổ dân phố; hiện nay còn 1.104 thôn, tổ dân phố.

[5] Nghị quyết 15/2014/NQ-HĐND quy định: ĐVHC cấp xã loại 1 được bố trí tối đa không quá 20 người; loại 2 được bố trí tối đa không quá 19 người; loại 3 được bố trí tối đa không quá 18 người. Riêng người hoạt động KCT ở thôn, tổ dân phố có 10 chức danh, được chia làm 04 nhóm.

[6] Theo báo cáo các đơn vị ngân sách chi trả hàng tháng khoảng 5 triệu đồng, mỗi năm phải bố trí kinh phí chi trả là 60 triệu.

[7] Như ở thị xã Hương Thủy chưa thực hiện mức hỗ trợ cho các chi hội trưởng; thành phố Huế hỗ trợ cho chi hội trưởng mức 250.000 đồng/người/tháng; huyện Quảng Điền có 07/11 đơn vị hỗ trợ mức 200.000 đồng/người/tháng,…

[8] Nghị định 38/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về bảo vệ dân phố.

[9] Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản.

[10] Quy định thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh “quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương, ngân sách trung ương không hỗ trợ. Riêng những chế độ chi có tính chất tiền lương, tiền công, phụ cấp, trước khi quyết định phải có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực trực tiếp”.

Approved Trang thai