Banner kỳ họp Chuyên đề (Trang chủ)

f633c783-7e31-ec11-9485-42f2e92eb5a9
Tin tức liên quan
Quy hoạch - công tác chiến lược đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
6.1.2023
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Giai đoạn 2021 - 2025, phương hướng phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị. Theo đó, đến năm 2025, “Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”.

Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, tỉnh đã tập trung phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng, hoàn thiện các đề án trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển đô thị di sản; sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan yếu tố đặc thù trong phân loại đô thị. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch được đặt lên mối quan tâm hàng đầu, tập trung ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhằm sớm hoàn thiện chiến lược phát triển tỉnh không chỉ cho giai đoạn năm năm trước mắt mà còn hoạch định tầm nhìn đến những năm 2040 - 2050.

Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 tạo bước đổi mới trong công tác lập quy hoạch. Với phương pháp tiếp cận tổng hợp, mang tính tích hợp quy hoạch và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, đã góp phần giải quyết vấn đề chồng lấn giữa các loại quy hoạch. Luật Quy hoạch quy định hệ thống quy hoạch quốc gia gồm: (1) Quy hoạch cấp quốc gia. (Quy hoạch cấp quốc gia bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia; (2) Quy hoạch vùng; (3) Quy hoạch tỉnh; (4) Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; (5) Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc như: khái niệm “tích hợp quy hoạch” chưa rõ về nội hàm; hệ thống quy hoạch quốc gia chưa hoàn thiện, quy hoạch cấp cao hơn chưa được phê duyệt làm cơ sở tham chiếu quá trình lập quy hoạch cấp thấp hơn… Điều này gây cản trở quá trình triển khai trong thực tế; tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 trên phạm vi toàn quốc gia rất chậm so với yêu cầu.

Trước thực trạng nêu trên, ngày 16/6/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 61/2022/ QH15 đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Một trong những giải pháp quan trọng đó là cho phép “lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh khác có quy định về quy hoạch...”. Căn cứ điều khoản này, Thừa Thiên Huế đã tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch; trong đó ưu tiên lập đồng thời 03 quy hoạch quan trọng sau: (i) Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm2050; (ii) Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; và (iii) Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Về tiến độ, Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đã được thông qua báo cáo đầu kỳ vào tháng 10 vừa qua; Quy hoạch chung đô thị tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ, tiếp tục triển khai các bước tiếp theo.

Sơ bộ về nội dung, báo cáo đầu kỳ Quy hoạch tỉnh đã đưa ra phương án phát triển kinh tế xã hội, phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng, phương án phân bố và khoanh vùng đất đai. Quy hoạch tỉnh đã đưa ra Mục tiêu tổng quát trên cơ sở kế thừa tinh thần Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, phấn đấu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế có trình độ phát triển kinh tế ở mức trung bình nhưng dẫn đầu cả nước về phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; thành phố Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Huế với bề dày lịch sử cũng như hệ thống di sản còn nguyên vẹn duy nhất của Việt Nam, Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch của tỉnh. Quy hoạch đã đưa ra những tuyên bố tầm nhìn đến năm 2050 rất “táo bạo” như: một di sản đô thị giàu sức sống, gắn kết với cộng đồng dân cư; một chỉnh thể di sản cảnh quan văn hóa được quản trị thông minh và phát triển bền vững; một điểm đến với thương hiệu toàn cầu; một cố đô khác biệt, luôn mới về ấn tượng...  Với tầm nhìn đó, ý tưởng quy hoạch mang tính đột phá rất lớn như: ý tưởng hình thành các trung tâm đô thị thương mại/“downtown” từ khu vực núi Thương Sơn, Duệ Sơn và núi Ngự Bình (được xem là những ngọn núi chủ sơn tụ khí của linh mạch xứ Huế) về phía biển Thuận An; hay ý tưởng tỉnh trở thành công viên quốc gia tích hợp nhiều chức năng cùng với không gian sinh thái và văn hóa lịch sử; ý tưởng làm sống lại các dòng sông, bến cảng; ý tưởng hạ tầng xanh và thông minh...

Có thể thấy rằng ý tưởng và định hướng của hai Quy hoạch có nhiều điểm chưa được khớp nối; điều này sẽ ảnh hưởng đến phương án phân bố không gian các khu, cụm, vùng động lực tăng trưởng của tỉnh. Kết luận tại Hội nghị góp ý báo cáo đầu kỳ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu thực hiện lồng ghép đồng bộ giữa ý tưởng phát triển của các quy hoạch. Đối với Quy hoạch tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương đã nhấn mạnh việc tập trung “tham vấn các nội dung có tính nghiên cứu sâu, ý tưởng mới, sáng tạo phù hợp với tình hình của địa phương tạo đột phá phát triển của kỳ quy hoạch”.

Việc lập song song đồng thời các quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị tỉnh và quy hoạch di tích là cơ hội cũng như thách thức đối với Thừa Thiên Huế trong việc thực hiện lồng ghép các định hướng ưu tiên cũng như cách sắp xếp bố trí không gian của toàn tỉnh. Quá trình này đòi hỏi sự phối hợp sát sao giữa các đơn vị tư vấn cũng như sự thống nhất chỉ đạo bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch, tạo tiền đề nhất quán cho sự phát triển của tỉnh trong những giai đoạn tiếp theo.

Dương Thị Thu Truyền
Approved Trang thai
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>