Tin nổi bật
Ngày làm việc thứ hai, Phiên họp thứ 36: Chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
22.8.2024
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Ngày làm việc thứ hai, sáng 22/8, theo chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực tư pháp, nội vụ, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Toàn cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần thứ 36 của UBTVQH
Toàn cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần thứ 36 của UBTVQH

Về lĩnh vực nội chính, các đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ liên quan đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức và giải quyết chế độ, chính sách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021; tạo nguồn chiến lược cán bộ và theo Kết luận số 86-KL/TW, Nghị định 140/2017/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về thu hút sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ra trường;

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, vừa qua Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều văn bản, nhiều giải pháp để giúp cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng đầy đủ các chế độ khi thôi việc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Trong giai đoạn 2023 - 2025, khi dự kiến phương án sắp xếp 47 đơn vị hành chính cấp huyện giảm 13 đơn vị hành chính cấp huyện và dự kiến sắp xếp 1.247 đơn vị hành chính cấp xã thì sẽ giảm 624 đơn vị hành chính cấp xã. Tương ứng, dự kiến có 21.800 cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện và cấp xã, cũng như cán bộ không chuyên trách ở cấp xã. Trong đó, cấp huyện dự kiến dôi dư khoảng 1.200 người; cán bộ, công chức cấp xã dự kiến dôi dư là khoảng 13.100 người; cán bộ không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 7.100 người. Bộ trưởng nêu rõ, như vậy, số lượng giải quyết dôi dư nay đến năm 2030 cần giải quyết dứt điểm con số này. Bộ Nội vụ đã tham mưu ban hành Nghị định 29/2023/NĐ-CP về tinh giản biên chế. Đến thời điểm này, có 46/54 địa phương ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức và số lượng người không chuyên trách ở cấp xã dôi dư.

Về thu hút sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ra trường, Bộ trưởng Nộ Nội vụ cho biết, đang tiếp tục tham mưu và hoàn thiện một nghị định về thu hút, trọng dụng người có tài năng vào khu vực công, trong đó tích hợp cả Nghị định 140 để có không gian rộng hơn cho việc thu hút sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ, người có tài năng vào khu vực công trong hệ thống chính trị. Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu rõ chiến lược phát triển cán bộ, đặc biệt là thu hút sinh viên xuất sắc, người có tài năng vào khu vực công. Cùng đó, Bộ Chính trị cũng đã có Kết luận 86, Chính phủ có Nghị định 140. Tuy nhiên, đến thời điểm năm 2021, cả nước ta mới thực hiện thu hút sinh viên xuất sắc, các nhà khoa học trẻ đối với 2.891 người, trong đó ở Trung ương là 1.110 người, còn lại ở địa phương là 1.781 người. Trên cơ sở cụ thể hóa tinh thần Kết luận 86, các địa phương đã xây dựng chính sách đặc thù để thu hút sinh viên xuất sắc, người có tài năng vào khu vực công. Sau khi có Nghị định 140, trong năm 2022 và 2023, cả nước tiếp tục thu hút được 584 người, trong đó ở Trung ương 170 người, ở địa phương 414 người. “Nhưng so với mong muốn, yêu cầu đặt ra rất cao thì thực tế triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn” Bộ trưởng nhấn mạnh. Do đó, trên cơ sở Chiến lược 899 của Chính phủ về thu hút người có tài năng vào khu vực công đến năm 2030, hiện nay Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu và đang hoàn thiện một nghị định về thu hút, trọng dụng người có tài năng vào khu vực công, trong đó tích hợp cả Nghị định 140 để có không gian rộng hơn cho việc thu hút sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ, người có tài năng vào khu vực công trong hệ thống chính trị.

Về lĩnh vực tư pháp, các đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp các nhóm vấn đề liên quan đến việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp. Việc thi hành án hành chính; việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ.

Về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, các đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, Viện Trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về các vấn đề: Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người, tội phạm tham nhũng, kinh tế; chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm; việc giải quyết tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố; giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng. Việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Kiểm sát; giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc ngành Tòa án; việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư ngành Tòa án do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.Việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Tòa án…

Trả lời chất vấn, Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh tội phạm công nghệ cao là thách thức an ninh phi truyền thống mà mọi quốc gia trên thế giới đều đang phải đối mặt. Trước vấn đề toàn cầu này, Liên Hiệp Quốc đang chuẩn bị ký một Hiệp định về chống tội phạm mạng quốc tế, Việt Nam cũng là một trong những thành viên sẽ ký tham gia Hiệp định này. Tội phạm công nghệ cao có 3 đặc điểm chính dẫn đến khó phát hiện, xử lý, gồm: Không biên giới, tính ẩn danh cao; trên đời thực có cái gì thì trên không gian mạng có cái đó, trên đời thực có 1 thì trên không gian mạng có thể nhân lên gấp nhiều lần; trình độ công nghệ, kỹ thuật cao. Do đó, đấu tranh với loại tội phạm này cần các biện pháp, giải pháp đặc thù.

Thời gian tới cần đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử của công dân, đây được coi là "căn cước trên không gian mạng" để xác thực danh tính, phục vụ công tác quản lý Nhà nước, hạn chế tình trạng nặc danh, lừa đảo. Cùng với đó, ứng dụng kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch tài khoản ngân hàng, loại bỏ tài khoản ảo; làm sạch tài khoản thuê bao di động, loại bỏ sim rác, qua đó hạn chế tội phạm công nghệ cao.

Về củng cố, nâng cao tiềm lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho rằng, để củng cố lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, cần sự ủng hộ nguồn lực của các địa phương và các nguồn lực xã hội khác. Hiện Bộ Công an đã bố trí lực lượng này ở tất cả công an các địa phương.

Bộ trưởng Bộ Công an khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch người đó. Bên cạnh đó, thận trọng kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch điện tử, giao dịch trực tuyến. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã phát biểu, làm rõ các nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong thời gian tới.

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, sau một ngày rưỡi làm việc nghiêm túc, sôi nổi, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, đến thời điểm này, đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn với những yêu cầu cụ thể đối với từng nội dung, nêu rõ thời gian thực hiện, hoàn thành. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nêu một số nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm liên quan trực tiếp đến trách nhiệm chính của các bộ, ngành để tập trung thực hiện trong thời gian tới như sau:

Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt để bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, giá điện. Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; sớm có phương án xử lý trong dài hạn việc thực hiện bảo quản riêng về xăng dầu dự trữ quốc gia. Thực hiện hiệu quả công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tập trung thực hiện phòng, chống các hành vi tiêu cực, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực. Thực hiện tốt công tác dự báo, chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước cho sản xuất và đời sống người dân. Kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; thực hiện các giải pháp khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phòng, chống dịch bệnh mới phát sinh.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn chính sách chưa được triển khai tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 6.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghiên cứu, xây dựng các chính sách về quy định điều chỉnh một số lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; có cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa, công nghiệp văn hóa. Có giải pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chuẩn mực đạo đức xã hội.

Bộ Nội vụ hoàn thành việc sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư, quản lý tài sản sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021. Khẩn trương rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch liên quan để hoàn thiện việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025; kịp thời hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc của địa phương trong quá trình xây dựng, hoàn thiện đề án; đẩy nhanh tiến độ thẩm định, hoàn thiện hồ sơ đề án, có lộ trình cụ thể, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ Tư pháp chủ động rà soát, dự kiến các nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện, làm cơ sở đề xuất xây dựng định hướng Chương trình lập pháp cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI. Khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Giám định tư pháp, kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp. Có giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác thi hành án hành chính; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng.

Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự. Tăng cường đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp. Tổ chức thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ. Triển khai toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thanh tra Chính phủ rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài và không để phát sinh vụ việc phức tạp, kéo dài mới. Nâng cao chất lượng và hiệu quả kết luận thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo.

Tòa án nhân dân tối cao tập trung thực hiện tốt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xét xử, chú trọng thực hiện tốt công tác hoà giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ việc. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức; xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ tòa án trong sạch, vững mạnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý, theo dõi việc tiếp công dân.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Xây dựng các quy trình, kỹ năng nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các khâu công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân. Rà soát, hoàn thiện các quy định, tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy Viện kiểm sát các cấp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành.  

Hoàng Ngọc Nam
Approved Trang thai