Theo chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng ngày 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần thứ 36 để xem xét việc thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành đối với 6 Nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, văn hóa - thể thao và du lịch. Phiên chất vấn sẽ được truyền hình trực tiếp từ Phòng họp Diên Hồng, Hội trường Ba Đình, Hà Nội và kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Tham gia điểm cầu truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm có đồng chí Lê Trường Lưu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Quang Tuấn - UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Sửu - TUV, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Hải Minh - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh ứng cử tại địa phương; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành liên quan.
Về lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đại biểu tập trung chất vấn Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn liên quan đến việc thực hiện các giải pháp tham mưu chính sách hỗ trợ nông sản; giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển nhãn hiệu, thương hiệu độc quyền, nhãn hiệu sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam; các giải pháp xử lý tình trọng sụt, lún tại đồng bằng sông Cửu Long; các giải pháp gỡ bỏ thẻ vàng về thủy sản đối với Việt Nam; việc triển khai công tác sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cơ vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai; các giải pháp nâng cao sản lượng, chất lượng phân bón của nước ta trong thời gian tới;…
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, về xuất khẩu nông sản, năm 2023 Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tập trung nguồn lực, đàm phán giải quyết các rào cản kỹ thuật về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trong và ngoài nước. Công tác phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật được đẩy mạnh; hoạt động truyền thông, quảng bá các sản phẩm chất lượng được tăng cường. Về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, công tác bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái chủ yếu thông qua việc hình thành các khu bảo tồn, khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; hoạt động thả rạn nhân tạo, hình thành môi trường sống cho các loài thủy sản được triển khai thí điểm tại một số địa phương; đã có 24/28 tỉnh, thành phố ven biển thành lập lực lượng Kiểm ngư.
Về các giải pháp gỡ thẻ vàng IUU, Bộ trưởng cho biết, giải pháp chủ yếu vẫn là thực hiện tốt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó phát triển thủy sản dựa trên ba trụ cột: Giảm khai thác, tăng nuôi và bảo tồn biển để đảm bảo trữ lượng thủy sản dành cho thế hệ mai sau. Chúng ta đã thực hiện trong suốt 7 năm qua đã có những thành quả nhất định. Đã tổ chức lại hệ thống kiểm ngư , hiện 28 địa phương ven biển đã có lực lượng kiểm ngư, chúng ta có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hình sự hóa những hành vi vi phạm liên quan đến IUU. Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục chứng minh về những nỗ lực của Việt Nam trong việc tháo gỡ thẻ vàng IUU; phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng vào cuộc triển khai tháng cao điểm. Tuy nhiên, cấu trúc ngành thủy sản rời rạc, manh mún, nhỏ lẻ, nhưng chưa có thiết chế thực hiện theo hướng cộng đồng cùng quản lý nguồn lợi thủy sản - đây cũng là nội dung đã được quy định trong luật.
Bộ trưởng cũng cho biết, trình độ nhân lực nghề cá còn hạn chế, vì vậy thời gian tới sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp để tăng cường nhận thức cho ngư dân cùng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Đối với lĩnh vực Công thương, các đại biểu tập trung chất vấn các nhóm vấn đề liên quan giá điện hiện nay chưa phù hợp với nhu cầu người dân, nhất là mức thuế 10% VAT; giải pháp để phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, về vấn đề giá điện, biểu giá điện bậc thang là mô hình phát triển của tất cả các quốc gia, khuyến khích các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Khác với các khách hàng khác, càng sản xuất điện càng nguy cơ đến môi trường. Do đó cần nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ môi trường vì năng lượng là ngành phất thải khá lớn. Ở Việt Nam cơ cấu biểu giá điện bán lẻ bình quân gồm 6 bậc. Thực hiện Nghị quyết của UBTVQH, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ chủ trì sửa đổi, bổ sung một số nghị định giảm từ 6 bậc trong biểu giá điện xuống còn 5 bậc.
Việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trong kinh tế thị trường, việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng là rất quan trọng, nhất là trong môi tường thương mại điện tử. Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác này, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan đã tham mưu cấp có thẩm quyền để ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng này, điển hình là tham mưu ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đề án chống hàng giả, kém chất lượng, sửa đổi, bổ sung những quy định xử phạt trong thương mại truyền thống và thương mại điện tử.
Đồng thời triển khai cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin qua Cổng thông tin quản lý thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - đây là Cổng điện tử quốc gia tại Cục Thương mại điện tử, kinh tế số (Bộ Công thương). Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công thương nêu rõ, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để xử phạt những hành vi vi phạm trong thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; triển khai hiệu quả Đề án phòng chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng mà Chính phủ đã ban hành; tăng cường tốt việc xây dựng cơ sở dữ liệu chia sẽ thông tin và phối hợp xử lý chống hàng giả, hàng kém chất lượng; nâng cao hiệu quả Cổng Thông tin điện tử tiếp nhận và xử lý thông tin về vi phạm gian lận thương mại; đẩy mạnh công tác truyền thông để người tiêu dùng nâng cao hiểu biết và tự bảo vệ mình.
Về lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đại biểu tập trung chất vấn các nhóm vấn đề liên quan đến đẩy mạnh hoàn thiện công tác thống kê du lịch; các giải pháp đáp ứng nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong thời gian tới; các giải pháp để đa dạng các sản phẩm du lịch về đêm, góp phần giữ chân du khách trong thời gian tới; tình hình thực hiện thỏa thuận EMRA đối với dịch vụ du lịch Việt Nam.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thống kê là công cụ quản lý vĩ mô quan trọng, giúp nắm thông tin để đánh giá và định hướng, từ đó hoạch định chính sách, vì vậy lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm vấn đề này. Trong lĩnh vực du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 06/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững trong thời gian tới. Từ khi có Công điện của Thủ tướng Chính phủ đến nay, công tác thống kê đã đi vào nề nấp, các số liệu được thống kê cũng chính xác hơn. Để phục vụ công tác hoạch định chính sách, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện một số công việc trong 06 lĩnh vực: về lượng khách quốc tế, về lượng khách nội địa, về tiêu chí khách quốc tế, về tiêu chí khách nội địa, về doanh thu dịch vụ ăn uống và doanh thu của lữ hành.
Liên quan đến sản phẩm du lịch về đêm, Bộ trưởng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đề án khuyến khích các địa phương nghiên cứu dựa trên yếu tố quy hoạch để đánh giá, phát triển sản phẩm du lịch đêm. Phấn đấu mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc mang tính cạnh tranh cao.