Phát biểu của đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tại Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ, lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026
27.3.2022
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Cổng thông tin điện tử HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế xin giới thiệu bài phát biểu tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung bộ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026 của đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế,

Thưa các đồng chí thường trực hội đồng nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ

Thưa toàn thể quý vị đại biểu,

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung bộ lần thứ nhất được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đầu tiên của khu vực và là Hội nghị thứ hai của cả nước.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin chào mừng và chúc các đồng chí tham dự Hội nghị mạnh khỏe, hạnh phúc.

Thưa toàn thể Hội nghị,

Thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, sâu sắc, phức tạp; cạnh tranh địa chính trị khó lường, gay gắt; đại dịch Covid-19 với nhiều biến chủng mới tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của con người. Kinh tế từng bước phục hồi nhưng chưa bền vững, không đồng đều, lạm phát có xu hướng gia tăng, thị trường tài chính, tiền tệ biến động mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố và Nghị quyết của HĐND các cấp đã đề ra.

Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ trong việc triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; sự giám sát, đồng hành, chia sẻ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp, nước ta đã tiếp tục đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Năm 2021, tiếp nối những kết quả nổi bật như tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương; thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại một số địa phương; triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp phòng chống dịch COVID-19…, Tăng trưởng kinh tế của đất nước đạt hơn 2%, đời sống nhân dân, an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; vị thế quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng lên; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước... trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của Đảng bộ, Chính quyền các tỉnh ở khu vực Bắc Trung bộ.

Thưa các đồng chí,

Tôi đánh giá cao công tác phối hợp giữa Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đăng cai Hội nghị; các đồng chí đã chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch, lựa chọn chủ đề sát thực tiễn; thành phần hội nghị khá đầy đủ, có sự tham gia của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương để trao đổi làm rõ hơn các vấn đề đặt ra; có đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân các khu vực khác tham dự, phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối với những vấn đề mới, khó để  thống nhất cách làm, cách hiểu với mục đích tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Tôi hoan nghênh Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ đã thống nhất lựa chọn chủ đề của Hội nghị lần này là “Chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân - Thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp”. Đây vấn đề rất thiết thực, vì chất lượng hoạt động đại biểu Hội đồng nhân dân quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, các Ban của HĐND và Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Tham dự Hội nghị có thành phố Đà Nẵng, Lâm Đồng,... là các địa phương đại diện các khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung bộ và Tây nguyên, trong đó thành phố Đà Nẵng cũng là địa phương đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hộinên có nhiều đóng góp cho hội nghị.

Qua nghe các báo cáo tham luậnvà … ý kiến phát biểu tại Hội nghị cho thấy các bài phát biểu có chất lượng tốt, nêu bật được thực trạng, nguyên nhân và giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân. Về công tác tổ chức, qua theo dõi cho thấy các tỉnh Bắc Trung bộ đã chuẩn bị tốt về cơ cấu, số lượng và chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân khóa mới, với trình độ cơ bản từ đại học và sau đại học trở lên (Ví dụ tỉnh Nghệ An là 98,79%, tỉnh Thừa Thiên Huế 97,04%, Thanh Hóa 96,47%...) hoặc thay đổi cơ cấu thành viên các Ban HĐND từ người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh làm uỷ viên kiêm nhiệm của các Ban như trước đây bằng các đại biểu ở cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp (tỉnh Thanh Hóa). Về hoạt động, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các tỉnh đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, ví dụ như trong hoạt động giám sát, các đồng chí đã kiên trì theo bám vấn đề đã chất vấn cho đến khi có kết quả (tỉnh Thừa Thiên Huế); đổi mới cách thức cung cấp thông tin, tài liệu kỳ họp và bảo đảm tốt các điều kiện phục vụ hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh, mỗi đại biểu HĐND tỉnh tự xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động trong năm và báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh (tỉnh Thanh Hóa); ban hành các Quy chế phối hợp hoạt động của Hội đồng nhân dân ngay từ đầu nhiệm kỳ (Nghệ An, Thanh Hóa…); có địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp sáng tạo, đột phá như Thừa Thiên Huế đã có kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương về nội dung tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, cũng như công tác thi đua khen thưởng đối với đại biểu HĐND; tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đề xuất 5 giải pháp về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu; giải pháp về phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân, đổi mới cung cấp thông tin và đảm bảo về điều kiện hoạt động đối với đại biểu Hội đồng nhân dân… Đây sẽ là nền tảng quan trọng, tạo tiền đề cho việc bảo đảm chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục được nâng lên.

Tôi hoan nghênh và cảm nhận sâu sắc rằng, các giải pháp này sẽ tạo ra hiệu ứng rất tích cực, kiến tạo một luồng sinh khí mới cho một nhiệm kỳ mới đầy hứa hẹn về sự đổi mới thực chất và phát triển toàn diện của Hội đồng nhân dân, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân. Để mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân thực sự là người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, cùng với cả nước góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân.

Thưa các đồng chí,

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là đồng chí Chủ tịch Quốc hội luôn dõi theo và quan tâm sâu sát đến tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức thành công Hội nghị tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 (ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam). Qua các Hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được nhiều ý kiến xác đáng để hoàn thiện thể chế về tổ chức và phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân nhằm hỗ trợ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ngày càng hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri, trong khuôn khổ Hội nghị này, tôi xin được trao đổi thêm một số vấn đề cụ thể như sau:

Một là, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, nhất là đối với công tác cán bộ; ngay từ bây giờ các cấp ủy đảng và chính quyền cần chủ động bồi dưỡng, đào tạo, luân chuyển đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2021-2026 và quy hoạch đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ tới; kiện toàn các chức danh còn khuyết, trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa cơ cấu với chất lượng, bảo đảm mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật còn phải là những người thực sự tiêu biểu về trí tuệ, bản lĩnh, trong sáng về đạo đức cách mạng, là tấm gương trong hoạt động của Hội đồng nhân dân, của hệ thống chính trị. Chất lượng đầu vào của đại biểu được bảo đảm là cơ sở quan trọng để bố trí, sử dụng cán bộ theo nguyên tắc đúng người, đúng việc nhằm phát huy tối đa sở trường, năng lực công tác của mỗi người đại biểu dân cử.

Bên cạnh đó, quá trình hoạt động, Thường trực Hội đồng nhân dân cần chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng xem xét, quyết định các định hướng lớn từ sớm, từ xa đối với các hoạt động trọng tâm của Hội đồng nhân dân cả nhiệm kỳ và của từng năm để mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân có căn cứ và chủ động hơn trong hoạt động của mình, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.

Hai là, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân thì bản thân mỗi vị đại biểu cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân địa phương, thực  hiện tốt nhất Chương trình hành động của mình khi ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, liên hệ và gắn bó mật thiết với nhân dân, không ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm để nói lên tiếng nói của người dân, mọi quyết định phải đặt lợi ích của nhân dân trên hết, trước hết. Vừa qua, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân đã làm rất tốt nhiệm vụ này, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân đã chủ động, đồng hành cùng với các cơ quan trong hệ thống chính trị kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ để xem xét, quyết định, ban hành những Nghị quyết triển khai có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.

Thứ ba, cần bố trí đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm cho đại biểu Hội đồng nhân dân triển khai các hoạt động có hiệu quả tốt nhất. Cùng với đó, bản thân mỗi vị đại biểu Hội đồng nhân dân cần tiếp tục nâng cao trình độ, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động, tự đào tạo, tự rèn luyện; trong môi trường hoạt động rất đa đạng về kiến thức, toàn diện, bao quát trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, mỗi đại biểu cần mạnh dạn đề xuất những lĩnh vực cần bổ sung thêm kiến thức để Thường trực Hội đồng nhân dân tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hộ; chúng tôi sẽ đồng hành hỗ trợ cùng với địa phương đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu Hội đồng nhân dân không chỉ với cấp tỉnh mà cả ở cấp huyện và cấp xã. Trước mắt đề nghị Ban Công tác đại biểu phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ bồi dưỡng đại biểu HĐND theo Kế hoạch số 98/KH-UBTVQH15 ngày 29 tháng 11 năm 2021 của UBTVQH.

Thứ tư, cần tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp của HĐND các cấp: nội dung, chương trình kỳ họp cần chuẩn bị kỹ, các báo cáo thẩm tra phải bảo đảm chất lượng, Nghị quyết ban hành có tính khả thi cao, không trái thẩm quyền, góp phần quan trọng giải quyết những vấn đề “nóng” và “điểm nghẽn”, đang được cử tri và dư luận quan tâm, bao quát trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Chủ tọa kỳ họp cần phát huy vai trò trong điều hành kỳ họp, phiên họp, bảo đảm linh hoạt, mềm dẻo, phát huy tối đa trí tuệ của tập thể để giải quyết những vấn đề trọng tâm của kỳ họp; kết hợp hai hình thức là thảo luận tại Tổ và thảo luận tại Hội trường để thu nhận được tối đa ý kiến góp ý, phản biện của các đại biểu; phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND trong tranh luận, thảo luận nhằm đạt được sự đồng thuận cao.

Thứ năm, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thực hiện có hiệu quả cao các cuộc giám sát việc thực thi pháp luật và các nghị quyết của Quốc hội ở địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát và hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Theo đó, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND cần tập trung vào những vấn đề “nóng”, những vấn đề quan trọng của địa phương, được đông đảo cử tri và dư luận quan tâm, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, người nêu câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, đúng thẩm quyền không chất vấn theo kiểu "hỏi để biết". Nội dung trả lời phải trọng tâm, ngắn gọn,xác định được nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, tồn tại mà đại biểu HĐND đã đặt ra. Những vấn đề trả lời chưa rõ, chưa thỏa đáng, đại biểu HĐND cần mạnh dạn hơn trong tranh luận, truy vấn để làm rõ; cần có kết luận đối với từng nội dung chất vấn, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thực hiện kết luận chất vấn. Sau phiên chất vấn phải có Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp và tại phiên họp thường kỳ sau phải có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết chất vấn từ kỳ họp thường kỳ trước đã ban hành.

Thứ sáu, rà soát, hoàn thiện và thực  hiện tốt Quy chế làm việc của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Quy chế phối hợp giữa Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội với HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh, thành phố để phát huy hiệu quả của từng cơ quan, tổ chức. Từ đó, tạo sức mạnh tổng hợp, nền tảng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của địa phương.

Thứ bảy, cần tiếp tục quan tâm đến công tác tuyên truyền về hoạt động của Hội đồng nhân dân; các phiên thảo luận tại Hội trường, các phiên chất vấn cần tiếp tục duy trì hình thức phát thanh, truyền hình trực tiếp để cấp ủy, lãnh đạo UBND, các cơ quan liên quan và cử tri, nhân dân biết, theo dõi, giám sát; nghiên cứu để tiến tới thực hiện hoạt động phát thanh, truyền hình đối với các phiên giải trình của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh huyện, xã.

Ngoài những giải pháp chung, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Thường trực HĐND cần chủ động, giữ vai trò nòng cốt trong công tác điều hành và tổ chức thực hiện để có những giải pháp, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND.

Thưa toàn thể Hội nghị,

Khu vực Bắc Trung bộ là trung tâm du lịch quan trọng của đất nước, có vị trí địa lý nằm kề bên vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Với vị trí địa lý kinh tế thuận lợi, nằm trên các trục giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển, có các đầm phá thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy hải sản, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội và hình thành nền kinh tế mở với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Việc phát huy lợi thế của mỗi tỉnh để phát triển kinh tế nhanh và bền vững không chỉ có ý nghĩa đối với khu vực mà còn góp phần vào thành tựu chung của đất nước.

Thời gian tới, đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường hơn nữa các hình thức hợp tác, liên kết phát triển trong khu vực, nhất là liên kết về xây dựng hệ thống trung tâm logistic; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp; xúc tiến đầu tư quảng bá du lịch, nhất là du lịch biển, du lịch sinh thái trên cơ sở bảo tồn những giá trị bản sắc riêng có của miền Bắc Trung bộ.

Hội nghị của chúng ta được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong số 07 tỉnh, thành phố đang thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế cao hơn trung bình của cả nước (đạt 4,36%); thu ngân sách nhà nước vượt 66,7% dự toán. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 với phương châm “tính mạng của người dân là trên hết, không ai bị bỏ lại phía sau”.

Tôi tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành của Chính quyền, cùng vớicố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân, của các tỉnh, thành phố trong khu vực và của cả nước, Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, vừa khôi phục, tăng trưởng kinh tế theo Chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” mà tỉnh đã đề ra, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 tầm nhìn 2045, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Một lần nữa, tôi xin chúc toàn thể các vị đại biểu có nhiều sức khỏe, gia đình hạnh phúc và thành công trong công việc, cũng như trong cuộc sống.

Chúc Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung bộ tiếp tục thực hiện tốtnữa nhiệm vụ của mình, xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Xin cảm ơn Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhiệt tình, chu đáo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thành công Hội nghị này.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Approved Trang thai