Hội thảo “Đại biểu dân cử với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá”
29.6.2022
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Sáng ngày 28/5/2022, tại thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Đại biểu dân cử với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá”. Đồng chí Nguyễn Thị Ái Vân - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đến dự và phát biểu tham luận.

Hội thảo tập trung các vấn đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá. Đây là lĩnh vực quan trọng, thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân. Hội thảo cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và phục vụ Ủy ban Xã hội trong thực hiện chức năng giám sát, kiến nghị giải pháp thực hiện và hoàn thiện chính sách pháp luật; thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về Phòng chống tác hại của thuốc lá hai năm 2022, 2023 theo quy định, góp phần bảo vệ sức khỏe, chăm lo hạnh phúc cho người dân, chính là mục tiêu và động lực của sự phát triển mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Theo điều tra Toàn cầu về sử dụng thuốc lá năm 2015, Việt Nam l trong số 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, tỷ lệ hút thuốc của nam giới là 45.3%; có 25 bệnh do thuốc lá gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người và làm tăng đáng kể chi phí của nhà nước, người dân cho công tác khám bệnh chữa bệnh.

 Sau 9 năm thực hiện luật Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được một số kết quả nhất định: Tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung năm 2020 giảm 0,8 % so với năm 2015;  nhận thức của người dân về Phòng, chống tác hại của thuốc lá được nâng lên; việc tổ chức địa điểm không hút thuốc lá, mô hình không khói thuốc đã được thực hiện rộng rãi ở nhiều nơi trên cả nước.

Tuy nhiên, tình hình việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá còn có mặt hạn chế; thuốc lá thế hệ mới, thuốc lá lậu trên thị trường còn diễn biến phức tạp. Chính sách pháp luật hiện hành về phòng chống tác hại thuốc lá và tổ chức thực hiện còn bất cập. Do đó, Hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề: (1) Vấn đề liên quan đến thực trạng việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá; (2) Vấn đề thuốc lá thế hệ mới đã tồn tại trên thị trường nhiều năm nay và có xu hướng phát triển, đây là các sản phẩm có hại cho sức khỏe và đặc biệt nguy hiểm đối với thanh thiếu niên và người hút thuốc lá thế hệ mới nói chung; chất gây nghiện nicotine trong thuốc lá làm cho người hút thuốc muốn sử dụng ma túy và các chất kích thích khác; thông tin cụ thể từ các chuyên gia trong và ngoài nước; những vấn đề quan tâm của đại biểu dân cử về thuốc lá thế hệ mới (chính sách pháp luật, về phòng, chống; chế tài; vai trò quản lý nhà nước liên quan…); (3) Tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá còn diễn biến phức tạp, đặc biệt ở khu vực biên giới, vùng biển, nơi có địa hình phức tạp và giải pháp; (4) Việt Nam hiện có mức giá và thuế thuốc lá ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới; trong chương trình xây dựng luật pháp lệnh 2023 Quốc hội sẽ sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; sự cần thiết tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, đồ uống có cồn, cung cấp thông tin và ý kiến của ĐB dân cử; (5) Trách nhiệm các Bộ ngành, địa phương, cơ quan đơn vị liên quan…

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Ái Vân - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã bày tỏ quan ngại trước tình hình sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử của giới trẻ của cả nước nói chung và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng. Đồng chí đã báo cáo những mặt đạt được của công tác phòng chống thuốc lá trên địa bàn tỉnh và những khó khăn đang gặp phải như: số ít người dân còn chưa nhận thức đầy đủ những tác hại của việc hút thuốc trong nhà, nơi công cộng và địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn; kiến thức về Luật Phòng chống tác hại thuốc lá của người dân vẫn còn thấp; việc tuân thủ Luật tại một số cơ quan đơn vị chưa cao; lãnh đạo địa phương chưa chỉ đạo mạnh hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc lá; tất cả các cán bộ làm công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đều là công tác kiêm nhiệm, vì vậy quỹ thời gian dành cho hoạt động còn hạn chế. Trong đó, đồng chí đặc biệt nhấn mạnh đến cấp ngân sách địa phương cho việc phòng chống tác hại của thuốc lá, chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này; việc giám sát thực thi được triển khai thực hiện, nhưng kết quả không như mong đợi, không có chuyển biến; công tác truyền thông, phối hợp liên ngành chưa được đẩy mạnh nên kết quả của công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như trên cả nước là chưa cao.

Chủ trì Hội thảo đánh giá cao những ý kiến đóng góp của đại biểu Thừa Thiên Huế, các đại biểu khác tham dự Hội thảo và mong muốn trong thời gian tới lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh khu vực Miền Trung - Tây Nguyên sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến vấn đề phòng chống thuốc lá tại địa phương./.

Nguyễn Thị Mộng Cẩm
Approved Trang thai