Banner kỳ họp Chuyên đề (Trang chủ)

f633c783-7e31-ec11-9485-42f2e92eb5a9
Tin tức liên quan
Thẩm tra Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai
20.3.2023
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Thực hiện phân công của Thường trực HĐND tỉnh, Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh thẩm tra nội dung về Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030. Đồng chí Nguyễn Chí Tài - UVTV Tỉnh uỷ, Trưởng ban Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh chủ trì các buổi làm việc; cùng tham dự có đồng chí Nguyễn Quang Tuấn - UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, các đồng chí lãnh đạo, Ủy viên Ban kinh tế - ngân sách, đại diện lãnh đạo các Ban Pháp chế, Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Trong thời gian từ ngày 13/3/2023 đến ngày 17/3/2023, Ban kinh tế - ngân sách đã tiến hành làm việc với các UBND các huyện: Phong Điền, Quảng Điển, Phú Vang, Phú Lộc, thành phố Huế và các sở, ban ngành liên quan.

Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài hơn 128km dọc bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và rộng từ 1 - 10 km; bao gồm 44 đơn vị cấp xã thuộc địa phận thành phố Huế và 4 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Tổng diện tích đất tự nhiên và mặt nước khoảng 1.024 km2 (chiếm 21% diện tích tự nhiên tỉnh Thừa Thiên Huế), với dân số trên 332 nghìn người (chiếm 29% dân số của tỉnh). Trong đó, tiêu biểu là hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với chiều dài hơn 70km, diện tích mặt nước rộng trên 22.000 ha, lớn nhất khu vực Đông Nam Á; cùng với đầm Lập An thuộc thị trấn Lăng Cô và một phần Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thuộc phạm vi của đề án Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Tại các buổi làm việc, sau khi đồng chí Nguyễn Chí Tài - Trưởng ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh đặt vấn đề liên quan đến tính phù hợp đối với các mục tiêu, chỉ tiêu và định hướng đề ra; tác động của Đề án đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong từng giai đoạn; về cơ chế, chính sách áp dụng đối với vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; làm rõ thêm về thực trạng, tính chất và đặc thù của từng địa phương; tình hình thực hiện, định hướng phát triển các lĩnh vực, ngành phụ trách qua đó đề xuất, kiến nghị đối với nội dung dự thảo Đề án. Đại diện lãnh đạo các địa phương và các cơ quan liên quan đã góp ý, kiến nghị, điều chỉnh, bổ sung những giải pháp để Đề án mang tính thực tiễn, đưa đến hiệu quả cao hơn. Về phạm vi Đề án, nghiên cứu lại việc đưa các địa phương cấp xã thuộc Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Về hạ tầng, đầu tư hoàn thiện hệ thống đường Đông phá Tam Giang,đường Tây phá Tam Giang nhằm tăng kết nối từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc; đầu tư hạ tầng nuôi trồng sản xuất thuỷ sản; hạ tầng phát triển đô thị dọc phá Tam Giang, lập đồ án quy hoạch chung vùng phá,… Về cơ chế chính sách, nghiên cứu thực hiện chính sách “treo thuyền”, hỗ trợ chuyển đổi nghề, sắp xếp nò sáo, cọc nuôi hàu trên các khu vực đầm phá…

Phát biểu chỉ đạo tại các buổi làm việc đồng chí Nguyễn Quang Tuấn - UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao công tác chuẩn bị, nội dung báo cáo sát với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị. Đồng chí nhấn mạnh: Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đàm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 là Đề án có tính chất tổng hợp về kinh tế - xã hội và môi trường, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực theo đó nội dung đề án cần đi sâu, đi sát vào tình hình thực tiễn đời sống của nhân dân, hiện trạng hạ tầng của từng khu vực, từng xã, phường từ đó đánh giá, đề xuất các giải pháp đảm bảo tính phù hợp, tính khả thi cao, phát huy hiệu quả của Đề án. Đồng thời đề nghị lãnh đạo UBND, lãnh đạo chính quyền các địa phương cần tăng cường hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thuỷ hải sản theo thẩm quyền; chủ động xây dựng các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, ổn định kinh tế, quốc phòng, an ninh; chủ động cân đối nguồn lực để bố trí đầu tư cho hạ tầng phát triển sản xuất, hạ tầng phát triển đô thị của địa phương; tăng cường công tác phối hợp với các địa phương giáp ranh trong quản lý chung,…; các sở, ban, ngành liên quan cần chủ động hơn nữa trong công tác quản lý lĩnh vực, ngành phụ trách, xây dựng kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu, định hướng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Phát biểu kết luận tại các buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Chí Tài - UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh đề nghị các địa phương,sở, ban ngành liên quan tiếp thu, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; thống nhất những nội dung đã trao đổi, thảo luận; đồng thời đề nghị đơn vị soạn thảo tiếp thu những kiến nghị đề xuất, hoàn chỉnh Đề án sớm trình HĐND tỉnh thông qua./.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI CÁC BUỔI LÀM VIỆC VỚI CÁC ĐỊA PHƯƠNG, ĐƠN VỊ







Nguyễn Mạnh Hà
Approved Trang thai