Banner kỳ họp Chuyên đề (Trang chủ)

f633c783-7e31-ec11-9485-42f2e92eb5a9
Tin tức liên quan
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế - Thực trạng và giải pháp
6.1.2023
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đóng vai trò hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn; là một trong những phương thức hữu hiệu để đưa pháp luật vào cuộc sống. Đây được coi là khâu đầu tiên của quy trình tổ chức thực hiện pháp luật, trở thành cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống. Bởi khi được PBGDPL, mỗi công dân nắm bắt được nội dung, tinh thần của pháp luật, nhận thức được giá trị của pháp luật từ đó thể hiện sự tôn trọng và chấp hành đúng pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.

Qua 10 năm triển khai, thi hành Luật PBGDPL trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, công tác PBGDPL đã đạt được những kết qủa quan trọng, cụ thể:

Một là, nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân được nâng lên. Các sở, ban, ngành, địa phương đã nhận thức đúng đắn hơn về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL, đã xác định được công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Chế độ, chính sách liên quan đến công tác này ngày càng được quan tâm, cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh.

Hai là, dựa trên các hình thức PBGDPL được quy định trong Luật PBGDPL, các cơ quan, ngành, đoàn thể và địa phương đã đa dạng hóa các hình thức, mô hình, biện pháp PBGDPL sát thực hơn với thực tiễn cuộc sống như: Trực tiếp tại các hội nghị tuyên truyền, hội nghị tập huấn chuyên sâu; phương tiện thông tin đại chúng; Trang thông tin điện tử; tủ sách pháp luật; hoạt động thực thi pháp luật, hoạt động trợ giúp pháp lý… Qua đó, cán bộ và nhân dân trong tỉnh đã bước đầu hình thành ý thức chủ động tìm hiểu pháp luật và từ đó nâng cao hiểu biết, tôn trọng và chấp hành pháp luật.  

Ba là, về nguồn nhân lực, đến nay, đội ngũ làm công tác PBGDPL tại các cơ quan, địa phương cơ bản ổn định và được tăng cường về chất lượng và số lượng. Cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước về công tác PBGDPL là Sở Tư pháp, trực tiếp là Phòng PBGDPL hiện có 05 biên chế; Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố Huế có 49 công chức và 01 hợp đồng lao động; trên địa bàn tỉnh có 274 công chức tư pháp - hộ tịch; trong đó có 09 thạc sỹ Luật, 251 đại học Luật, 03 đại học Hành chính, 08 trung cấp Luật và 03 trung cấp khác. Trên địa bàn tỉnh có 87 Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 193 Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 1.663 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Công tác xây dựng, quản lý, sử dụng đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật thực hiện theo đúng quy định.

Bốn là, nội dung PBGDPL rất đa dạng, phong phú, luôn bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương. Trong đó chủ yếu tập trung vào cung cấp thông tin về pháp luật gắn với tuyên truyền, phổ biến quy định của Hiến pháp, quán triệt nội dung, tinh thần của các văn bản luật mới có phạm vi điều chỉnh rộng lớn, các chế độ, chính sách, quy định mới ban hành hoặc được bổ sung, thay thế; các hành vi nghiêm cấm và chế tài xử lý… Công tác PBGDPL đạt được những kết quả hết sức quan trọng, đáng ghi nhận là công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù được các ngành, các cấp triển khai theo quy định và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng ngành.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định:

- Đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên tham gia PBGDPL đa số đều là cán bộ kiêm nhiệm nên kinh nghiệm, kỹ năng tuyên truyền; trình độ chuyên môn về lĩnh vực pháp luật của đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở nhiều nơi còn thiếu về số lượng, hoạt động của đội ngũ này chưa được thường xuyên, chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm.

- Một số địa phương, đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình còn khó khăn; thêm vào đó, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm nên vấn đề về pháp luật chưa được quan tâm. Một bộ phận người dân trình độ còn thấp, bị chi phối bởi phong tục tập quán lạc hậu, chậm được khắc phục, do đó, việc đưa pháp luật đến với người dân khó khăn.

- Công tác PBGDPL là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu với với công tác này càng cao. Tuy nhiên, với nguồn lực còn hạn chế của địa phương, việc đầu tư nhằm bảo đảm nhiệm vụ một cách toàn diện còn khó khăn, đặc biệt ở cấp xã.

Để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, việc đẩy mạnh công tác PBGDPL là hết sức cần thiết. Thời gian tới, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau: 

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của đảng, chỉ đạo của Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp trên; thường xuyên có kế hoạch, các văn bản để hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân ... Phát huy tối đa vai trò của hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp. Đặc biệt, ngành Tư pháp các cấp, với vai trò là cơ quan thường trực của hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, phải chủ động tham mưu cho chính quyền cấp mình trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi và tổng kết công tác PBGDPL tại địa phương. 

Thứ hai, ở mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi cấp đều có những điều kiện, hoàn cảnh riêng. Do vậy để triển khai tốt các hình thức PBGDPL trên thực tế thì tính chủ động, sáng tạo cần được phát huy triệt để. Chính từ cơ sở, mỗi hình thức, mỗi cách làm riêng phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, phong tục tập quán và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân sẽ đem lại hiệu quả thiết thực.

Thứ ba, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, vật lực cho công tác PBGDPL, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm và đội ngũ tuyên truyền viên, hoà giải viên, giáo viên dạy môn giáo dục công dân, pháp luật trong trường học, phóng viên, biên tập viên pháp luật; xác định rõ khoản ngân sách hằng năm cho hoạt động này theo hướng tăng thêm để đáp ứng đầy đủ, kịp thời về kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thứ tư, gắn công tác PBGDPL với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Công tác PBGDPL góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, do đó cũng góp phần quan trọng trong việc hoàn thành chỉ tiêu về đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Vì vậy, trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới, cần đặc biệt quan tâm tới công tác PBGDPL và phải coi đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân cần vận dụng sáng tạo những hình thức, biện pháp, đồng thời căn cứ vào tình hình đặc điểm cụ thể của địa phương, đơn vị và căn cứ yêu cầu của tình hình mới của đất nước để có phương pháp chỉ đạo, thực hiện đạt hiệu quả nhất, nhằm nâng cao tri thức pháp luật, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật; đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân./.

Hồ Nhật Tân
Approved Trang thai