Hội thảo “Tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ở khu vực Trung bộ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”
4.5.2022
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Sáng ngày 29/4/2022, tại thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ở khu vực Trung bộ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”. Đồng chí Đặng Thuần Phong - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội và các đồng chí: Trần Thị Thanh; Đinh Ngọc Quý là Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội đã chủ trì Hội thảo. Đến dự Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND các tỉnh, đại diện lãnh đạo các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, Liên đoàn Lao động các tỉnh trong khu vực. Đồng chí Nguyễn Thị Ái Vân - TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến dự và phát biểu tại Hội nghị.

Hội thảo đã nghe báo cáo tổng quan về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động ở một số tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình bày. Ý kiến tham luận của đại diện lãnh đạo Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội các tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Ái Vân - TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm và nêu một số ý kiến trong quá trình triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đồng chí, trong thời gian qua, khi triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; về chính sách hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, Chính phủ giao cho HĐND tỉnh xác định đối tượng và mức hỗ trợ. Mặc dù ngân sách tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thế nhưng, với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, chính sách hỗ trợ cho người dân được ban hành với nguồn kinh phí dự kiến là 45.019 tỷ đồng. Trong đó, các đối tượng yếu thế được đặc biệt quan tâm, đó là: đối tượng được nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập; hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, các đối tượng người lao động làm việc dọc tuyến Quốc lộ 1A và các đối tượng khó khăn khác; ngoài ra còn có các chính sách khác cho người lao động trở về từ các địa phương... Qua đó, đã hỗ trợ phần nào khó khăn cho người dân khi bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Trong quá trình thực hiện chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (thời hạn cuối tiếp nhận hồ sơ là 30/6/2022), tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng đủ các điều kiện được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định (cụ thể như điều kiện về có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ phải giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019 hoặc 2020; hoặc phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1, Điều 42 Bộ luật Lao động 2019; đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm hỗ trợ). Đồng chí đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các Bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ kiến nghị sửa đổi quy định về điều kiện theo hướng thuận lợi hơn và gia hạn thời gian thực hiện chính sách, để chính sách hỗ trợ có tính khả thi. 

Trong tình hình nền kinh tế đang trên đà phục hồi, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đồng chí đề nghị Ủy ban Xã hội tiếp tục lấy ý kiến các ngành, các cấp để tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất được quy định trong Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ nhằm giúp các doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Đặng Thuần Phong - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu tham dự. Các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất tại Hội thảo sẽ được tiếp thu, nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền sớm ban hành các chính sách phù hợp với tình hình mới. Đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian tới, các địa phương cần rà soát, đánh giá lại tình hình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại địa phương để đề xuất các chính sách, biện pháp phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đồng chí cũng đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra trục lợi chính sách. Tăng cường thu thập và phổ biến thông tin thị trường lao động để người lao động có đầy đủ thông tin về nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm cố định, di động phù hợp với từng địa phương; tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm có sự liên kết giữa các địa phương trong vùng, liên vùng hoặc trên toàn quốc để kết nối cung cầu lao động. Tập trung triển khai các nhiệm vụ giải pháp về phát triển thị trường lao động, việc làm và đảm bảo an sinh xã hội tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2021 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030./.

 

Nguyễn Thị Mộng Cẩm

Approved Trang thai