Tin hội đồng nhân dân
Kết quả giám sát về tình hình và kết quả thực hiện việc quy hoạch các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021
10.1.2022
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Thực hiện Quyết định số 50/QĐ-HĐND ngày 06 tháng 10 năm 2021 của Thường trực HĐND tỉnh về thành lập Đoàn giám sát tình hình và kết quả triển khai thực hiện việc quy hoạch các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021, Đoàn đã tiến hành giám sát trực tiếp các sở, ngành, địa phương và khảo sát trực tiếp một số thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn. Đoàn giám sát xin báo cáo kết quả như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Công tác triển khai thực hiện các Nghị quyết

Trên cơ sở các văn bản của Trung ương và Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao (VH, TT), UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định để triển khai thực hiện. Sở Văn hóa và Thể thao, chính quyền các cấp đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, lồng ghép thực hiện các nội dung quy hoạch thiết chế VH, TT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm tại địa phương; các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đã tham mưu các văn bản chỉ đạo và ban hành hướng dẫn thực hiện các hoạt động của các thiết chế VH, TT trên địa bàn.

Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương, của tỉnh về quy hoạch thiết chế VH, TT được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện; công tác vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân về vị trí, vai trò và trách nhiệm xây dựng hệ thống thiết chế VH, TT trong xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh; tổ chức triển khai thực hiện lồng ghép phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với xây dựng Nông thôn mới, tuyên truyền trong dịp “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” để huy động xã hội hóa. Ngành văn hóa và thể thao đã triển khai hội nghị tập huấn nghiệp vụ VH, TT dành cho cán bộ quản lý VH, TT cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan chức năng cũng đã chú trọng thanh tra, kiểm tra việc xây dựng, quản lý và sử dụng các thiết chế VH, TT để đôn đốc, hướng dẫn cơ sở thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. Các huyện, thành phố, thị xã đã tập trung chỉ đạo và huy động nguồn lực xã hội xây dựng hệ thống thiết chế VH, TT; ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng Nhà Văn hóa, Khu thể thao thôn, bản. Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố, thị xã đã tham mưu UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã hướng dẫn tổ chức các hoạt động của các Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Nhà Văn hóa ở cấp xã.

2. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao

- Về cơ cấu tổ chức: Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về văn hóa và thể thao cấp tỉnh. Sở có 10 đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện quản lý nhà nước về văn hóa và thể thao tại địa phương. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao là đơn vị sự nghiệp cấp huyện. Ở cấp xã chủ yếu do đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội và công chức văn hóa - xã hội cấp xã thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về các thiết chế VH, TT. Các thiết chế VH, TT cấp thôn chủ yếu do Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố thực hiện, một số nơi giao cho đối tượng khác quản lý.

- Về đội ngũ: Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác văn hóa, thể thao từng bước được kiện toàn, chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay, toàn tỉnh có 948 cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng bán chuyên trách làm công tác văn hóa, thể thao, trong đó, cấp tỉnh: 483 người (biên chế 332 người); cấp huyện: 217 (biên chế 176 người); xã, thôn: 465 người (biên chế 182 người).

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, sử dụng hệ thống thiết chế VH, TT trên địa bàn tỉnh phần lớn được đào tạo cơ bản, đã phát huy tốt năng lực, kinh nghiệm để tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ; nhiệt tình, tâm huyết với nghề, có ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp phát triển VH, TT. Các huyện, thành phố, thị xã cơ bản đảm bảo số lượng cán bộ theo yêu cầu. Mỗi xã, phường, thị trấn đều được bố trí 01 công chức phụ trách lĩnh vực VH, TT; nhiều huyện, thị xã và thành phố Huế đã bố trí thêm 01 người hoạt động không chuyên trách phụ trách thư viện, nhà trưng bày, đài truyền thanh.

Hiện nay, các đơn vị sự nghiệp của ngành VH, TT đang tổ chức, sắp xếp cơ cấu tổ chức theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó, quá trình sắp xếp gặp nhiều khó khăn, do phải cơ cấu lại tổ chức, nhân sự nên ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành. Các chính sách hỗ trợ cho công chức, viên chức làm văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, nhất là cán bộ, công chức trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và ở cấp cơ sở. Một số địa phương cơ sở cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực VH, TT còn thiếu và yếu nên ảnh hưởng đến việc tổ chức và hoạt động VH, TT.

3. Thực trạng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao

3.1. Thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh

Thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh quan tâm đầu tư chỉnh trang, nâng cấp và đưa vào hoạt động nhiều thiết chế VH, TT, cơ bản đáp ứng yêu cầu các hoạt động VH, TT trên địa bàn tỉnh.

- Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh do Sở Văn hóa và Thể thao quản lý, gồm các công trình:

+ Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh (được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Văn hóa Thông tin và Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng). Trụ sở chính 41A Hùng Vương, có tổng diện tích 21.404m2 (Hội trường có 1.000 chỗ ngồi). Trung tâm còn có các cơ sở: Rạp Gia Hội, Rạp Đông Ba, Rạp Hoàn Mỹ và được giao quản lý Trung tâm Văn hóa Huyền Trân.

Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, chính trị xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, do đã được xây dựng hơn 40 năm và qua nhiều lần sửa chữa nên nhiều hạng mục đang xuống cấp, hư hỏng và thiếu hệ thống trang thiết bị hiện đại để tổ chức hoạt động, nhất là đối với các sự kiện văn hóa, chính trị xã hội lớn trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở điện ảnh (các Rạp chiếu phim) do Trung tâm quản lý đã xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, không tổ chức được các hoạt động.

+ Hệ thống Bảo tàng: Toàn tỉnh có 7 bảo tàng (5 bảo tàng công lập, 2 bảo tàng tư nhân). Sở Văn hóa và Thể thao trực tiếp quản lý 03 bảo tàng: Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Mỹ Thuật.

Hiện nay, chỉ có Bảo tàng Hồ Chí Minh được xây dựng cơ bản hoàn thiện. Các Bảo tàng còn lại đều tận dụng các di tích hay công trình cũ làm trụ sở và nhà trưng bày vì vậy không phù hợp với quy mô, cách thức, yêu cầu về trưng bày, khai thác của Bảo tàng. Bảo tàng Mỹ thuật được thành lập nhưng chưa có trụ sở để hoạt động và trưng bày các tác phẩm mỹ thuật.

+ Thư viện Tổng hợp tỉnh: Được xây dựng vào năm 2004, kết cấu 04 tầng và tổng diện tích sử dụng là 5.600 m2. Thư viện có đủ cơ sở vật chất với các phòng chức năng, đáp ứng được điều kiện lưu trữ tài liệu với 11.516 bản sách (chưa tính tạp chí và báo) và không gian phục vụ bạn đọc với khoảng 300 chỗ ngồi; quản lý từ 1.820 - 2.868 thẻ bạn đọc/năm, hàng năm phục vụ cho từ 120 -150 nghìn lượt bạn đọc đến học tập, nghiên cứu.

Hiện nay, Thư viện đang xuống cấp, hư hỏng nhiều hạng mục, hoạt động gặp nhiều khó khăn, chưa được đầu tư hiện đại hóa và có nhiều dịch vụ để thu hút bạn đọc; chưa đầu tư phát triển Thư viện thành Trung tâm bảo quản tư liệu quốc gia như mục tiêu của quy hoạch.

+ Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế: Đơn vị chỉ có trụ sở để làm văn phòng hoạt động và tập luyện, chưa có Nhà hát đáp ứng yêu cầu biểu diễn nghệ thuật.

Hiện nay, tỉnh chưa có hệ thống nhà hát, điểm biểu diễn Ca Huế thính phòng đạt chuẩn, trong khi tỉnh đang xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa du lịch đặc sắc.

+ Về hệ thống tượng, đài, vườn tượng: Tượng đài Phan Bội Châu, tượng đài Quang Trung tại Núi Bân, tượng đài Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền); Không gian văn hóa nghệ thuật đường Lê Lợi, hệ thống công viên hai bờ Sông Hương; vườn tượng tại Khu Du lịch Abalone Resort và Spa, qua đó đã tạo nên một thành phố Huế xanh, sạch, sáng và luôn tươi mới.

Tuy nhiên, hiện nay chưa thực hiện được việc quy hoạch các vườn tượng, công tác sắp xếp, quản lý hệ thống tượng đài còn nhiều bất cập.

+ Về thiết chế thể thao: Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã chú trọng đầu tư xây dựng và tu sửa các công trình TDTT trên địa bàn tỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển thể dục, thể thao trên địa bàn. Các thiết chế thể thao cấp tỉnh, gồm có:

Sân vận động Tự do: Đáp ứng yêu cầu sử dụng tổ chức thi đấu và tập luyện môn bóng đá; đăng cai tổ chức các giải bóng đá trẻ Quốc gia, giải Hạng nhất Quốc gia; đăng cai tổ chức các giải điền kinh Quốc gia; tổ chức các giải điền kinh học sinh Tỉnh, các giải bóng đá phong trào, các sự kiện VH, TT của tỉnh, đại hội TDTT toàn tỉnh...

Nhà thi đấu đa năng tỉnh: Có sức chứa 3.000 chỗ ngồi, hàng năm tỉnh đã sử dụng có hiệu quả trong việc đăng cai tổ chức nhiều giải thể thao thành tích cao quốc gia và quốc tế và các giải thi đấu cấp ngành, cấp tỉnh, các sự kiện văn hóa và thể thao, phục vụ công tác tập luyện các môn thể thao trong nhà (cầu lông, bóng bàn, bóng đá Futsal...).

Bể bơi (25m, 50m): Hàng năm đăng cai tổ chức thi đấu các giải bơi, lặn quốc gia, các giải thi đấu các ngành, giải cấp tỉnh. Tổ chức tập luyện môn bơi, lặn cho các VĐV đội tuyển của tỉnh; tổ chức dịch vụ dạy bơi thực hiện chương trình dạy bơi phòng chống đuối nước.

Ngoài ra còn có hệ thống sân tập các môn thể thao: 5 sân quần vợt, 02 sân tập bóng đá phục vụ tập luyện cho các đội bóng đá trẻ; hệ thống nhà tập phục vụ các môn võ thuật; hệ thống nhà ở vận động viên.

- Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao do các ngành, đơn vị khác trực tiếp quản lý và được xây dựng từ công tác xã hội hóa.

+ Nhà hát Sông Hương - Học viện Âm Nhạc Huế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động tháng 8/2020, với quy mô 1.000 chỗ ngồi. Nhà hát là nơi phục vụ các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, sự kiện chính trị - xã hội không chỉ cho Huế, mà còn cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đây cũng là nơi phục vụ các hoạt động giao lưu, biểu diễn nghệ thuật mang tầm Quốc tế.  

+ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Nhà hát chủ yếu sử dụng Duyệt thị đường làm nơi biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch.

+ Trên địa bàn tỉnh, những năm qua, nhiều ngành, đơn vị đã quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế VH, TT phục vụ nhu cầu của nhân dân, thanh thiếu nhi, cán bộ, công nhân viên chức như: Trung tâm Hoạt động Thanh Thiếu Nhi (thuộc Tỉnh Đoàn); Nhà Văn hóa Lao động tỉnh (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh); các thiết chế thể thao của các cơ quan, đoàn thể, trường học và nhiều thiết chế thể thao được đầu tư xây dựng từ công tác xã hội hóa.

Mặc dù các thiết chế VH, TT đã có sự đầu tư khá lớn từ các nguồn xã hội hóa, nhưng chưa có sự đồng bộ, quy hoạch còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí cũng như tập luyện thể dục thể thao của nhân dân. Đặc biệt là hệ thống điểm vui chơi dành cho trẻ em còn quá ít, nhất là ở cấp huyện. Các thiết chế VH, TT được xây dựng chủ yếu ở vùng đô thị; vùng nông thôn, miền núi và các khu công nghiệp ít được quan tâm đầu tư.

- Hệ thống các đơn vị đào tạo, nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật:

Trên địa bàn tỉnh hiện có các đơn vị đào tạo, nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật như Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Trường Trung cấp Thể dục thể thao; Trường Đại học Nghệ thuật Huế, Khoa Giáo dục Thể chất (Đại học Huế); Học viện Âm nhạc Huế; Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là những đơn vị có đóng góp quan trọng trong việc đào tạo, nghiên cứu, phát triển văn hóa, thể dục, thể thao trên địa bàn.

Tuy nhiên, hoạt động của các đơn vị đào tạo gặp nhiều khó khăn, số lượng học sinh, sinh viên theo học các ngành văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao ngày càng ít.

- Công tác đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao:

Từ năm 2016 đến 30/6/2021, tỉnh đã huy động, bố trí 441,561 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp, (trong đó: 84 tỷ từ nguồn xây dựng nông thôn mới, hơn 200 tỷ từ nguồn xã hội hóa). Một số thiết chế văn hóa cấp tỉnh đã đầu tư như sửa chữa, nâng cấp các công trình văn hóa trên 11,5 tỷ đồng; sửa chữa nâng cấp các thiết chế thể dục, thể thao gần 40 tỷ đồng.

Trong giai đoạn này, không có công trình nào được tập trung đầu tư xây mới; tỉnh bố trí ngân sách chủ yếu để sửa chữa, nâng cấp một số thiết chế VH, TT xuống cấp, hư hỏng kịp thời phục vụ các hoạt động VH, TT và tổ chức các sự kiện chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. 

3.2. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cấp huyện

- Toàn tỉnh có 7/9 đơn vị cấp huyện có Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao được xây dựng, hoạt động. Riêng thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang chưa xây dựng, hiện đang sử dụng các cơ sở cũ như trụ sở UBND, của Đài Truyền thanh để hoạt động. Thành phố Huế có thêm thiết chế Nhà Thiếu Nhi.

- Thiết chế thư viện: 8/8 huyện, thị xã, có thiết chế thư viện, trong đó, 03 thư viện có trụ sở riêng (thư viện Nguyễn Chí Thanh - Quảng Điền, thư viện huyện Phong Điền, thư viện huyện Phú Vang); 05 thư viện huyện còn lại chưa có trụ sở độc lập, được bố trí trong Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, riêng thư viện huyện A Lưới lại được bố trí tại Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện.

- Thiết chế thể thao: 8/9 đơn vị cấp huyện có thiết chế sân vận động (sân bóng đá), huyện Phú Lộc có sân vận động hư hỏng không sử dụng, huyện A Lưới có 02 sân cỏ nhân tạo do doanh nghiệp đầu tư; có 4/9 đơn vị có nhà thi đấu - nhà tập (TP Huế, Hương Thủy, Hương Trà, Nam Đông); 4/9 đơn vị có bể bơi (TP Huế, Hương Thủy, Hương Trà, Nam Đông) đa số bể bơi 25m, hiệu quả sử dụng chưa cao.

- Về đầu tư, trong giai đoạn 2016 - 2021: Một số địa phương đã tranh thủ nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế VH, TT khá hoàn thiện như: Nhà Văn hóa trung tâm huyện Phú Lộc (8,5 tỷ đồng); Nhà Văn hóa huyện Quảng Điền (11,8 tỷ đồng); Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Nam Đông (13,675 tỷ đồng); Khu lưu niệm đồng chí Tố Hữu (20 tỷ đồng); Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới (9,3 tỷ đồng); Nhà lưu niệm Suzucho Karate thành phố Huế (2,7 tỷ đồng)…

- Hiện nay, hệ thống thiết chế VH, TT cấp huyện cơ bản đã phát huy hiệu quả, từng bước đáp ứng được nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ nhân dân vào những dịp lễ hội, kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện chính trị lớn của địa phương, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Tuy nhiên, hầu hết các thiết chế VH, TT ở cấp huyện được xây dựng đã lâu nên cơ sở hạ tầng xuống cấp; nhiều công trình VH, TT không đáp ứng tiêu chuẩn quy định, quy mô, diện tích nhỏ hẹp. Vẫn còn 2 đơn vị cấp huyện chưa có Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao. Thư viện cấp huyện hầu hết chưa phát huy được hiệu quả hoạt động, trang thiết bị thiếu thốn, đầu tư không đồng bộ, ít bạn đọc.

3.3. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã

Toàn tỉnh có 96/141 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa chiếm 68%, đạt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Trong đó, các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Nam Đông, thị xã Hương Thủy có số Trung tâm VH, TT cấp xã trên số đơn vị hành chính gần đạt 100%; Có 111 điểm Bưu điện văn hóa xã và có 11 thư viện, tủ sách cấp xã. Trong giai đoạn 2016 - 2021, có 55 nhà văn hóa xã được đầu tư từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Các thiết chế VH, TT cấp xã đã phát huy được công năng sử dụng, là nơi tổ chức các hoạt động phục vụ các buổi sinh hoạt, hội họp, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của xã, phường, thị trấn. Các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã đều do cán bộ, công chức văn hóa - xã hội trực tiếp quản lý, bên cạnh đó các xã, phường, thị trấn còn có đội ngũ cộng tác viên thực hiện công tác tuyên truyền, vận động phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng.

Tuy nhiên, thiết chế VH, TT cấp xã nhiều địa phương còn thiếu. Phần lớn các Trung tâm VH, TT cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn quy định; trang thiết bị hoạt động thiếu thốn, lạc hậu; chất lượng hoạt động chưa cao, các thiết chế chủ yếu phục vụ cho việc hội họp, chưa tổ chức được nhiều các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và chưa hình thành nên các câu lạc bộ về văn hóa, nghệ thuật ở các địa phương. Các điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em còn hạn chế. Đa số các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã chưa thành lập Ban chủ nhiệm và ban hành quy chế hoạt động theo quy định tại Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên chưa phát huy được các hoạt động cũng như công năng sử dụng các thiết chế. Hiệu quả hoạt động của các thư viện, tủ sách pháp luật ở cấp xã còn thấp, số lượng sách báo còn nghèo nàn, số lượng người đến đọc sách, báo rất ít.

3.4. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp thôn

Số thôn, bản, tổ dân phố có Nhà văn hóa, Nhà sinh hoạt cộng đồng là 904/1.277 đạt 70,8%, chưa đạt so với mục tiêu của Nghị quyết HĐND tỉnh là từ 75 - 80%.

Các Nhà văn hóa, Khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố hiện nay là nơi hội họp, nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tổ chức học tập cộng đồng của nhân dân, là nơi để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Mặc dù, được quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng hiện tại trên địa bàn tỉnh vẫn còn gần 30% thôn, bản, tổ dân phố chưa có Nhà văn hóa. Đa số đều ở các địa bàn vùng khó khăn do thiếu kinh phí và không huy động được nguồn xã hội hóa hoặc tại các vùng đô thị trung tâm nhưng không có quỹ đất.

Các Nhà Văn hóa, Nhà sinh hoạt cộng đồng ở cấp thôn được xây dựng từ nhiều chương trình, dự án khác nhau, phần lớn không đạt tiêu chuẩn theo quy định, có nơi được cải tạo từ các nhà trẻ, nhà kho hợp tác xã cũ; thiếu trang thiết bị để hoạt động. Việc quy hoạch, thiết kế Nhà Văn hóa ở một số vùng, nhất là vùng đồng bào dân tộc không phù hợp. Một số Nhà Văn hóa xây dựng xa các khu dân cư nên hoạt động không thuận tiện. Nhiều nơi công tác vệ sinh môi trường khu vực Nhà Văn hóa chưa được quan tâm, thiếu hạng mục công trình phụ trợ, cây xanh. Nhà Văn hóa thôn đang được giao cho nhiều đối tượng quản lý, chưa có một mô hình quản lý và chưa ban hành quy chế hoạt động để thống nhất trong toàn tỉnh. 

4. Công tác xã hội hóa

Trên cơ sở các chính sách xã hội hóa của tỉnh, các ngành, các cấp đã tích cực kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao nhằm đa dạng hóa các loại hình hoạt động, phục nhu cầu của nhân dân. Kết quả, đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này, điển hình như: Rạp chiếu phim Cinestar Huế với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng và hệ thống chiếu phim hiện đại trong các siêu thị như Lotte Cinema (Siêu thị BigC), Starlight (Coopmart), BHD (Vincom); Khu văn hóa đa năng Công viên Kim Đồng với tổng vốn đầu tư 60 tỷ đồng; hình thành các bảo tàng tư nhân như Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ, Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng… Bên cạnh đó, các sân bóng đá nhân tạo, bể bơi, phòng tập bida, phòng tập thể hình, sân Golf, các câu lạc bộ thể dục thể thao cũng được các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng.

Ở cấp huyện, công tác xã hội hóa tập trung vào việc xây dựng các nhà tập luyện, thi đấu thể thao tại các trường học, cơ quan, đơn vị, các thôn, khu dân cư:  điển hình như huyện Phong Điền đã huy động nguồn xã hội hóa lên đến 20 tỷ,  Phú Vang huy động 10 tỷ để xây dựng Nhà Văn hóa cấp thôn, 600 triệu để xây dựng sân bãi, mua sắm trang thiết bị để tập luyện thể thao ở cấp thôn; Nam Đông huy động 1 tỷ để xây dựng Nhà văn hóa cấp thôn, 500 triệu để xây dựng Trung tâm VHTT cấp xã. Các dự án hỗ trợ từ nước ngoài: huyện Phú Vang, A Lưới được hỗ trợ từ dự án Bill Gates đầu tư máy tính và máy in để phục vụ các hoạt động văn hóa tại địa phương. Công tác xã hội hóa đã góp phần xây dựng các thiết chế VHTT cấp cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn.

Nhìn chung, trong những năm qua, công tác xây dựng hệ thống thiết chế VH, TT trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, sự ủng hộ của các doanh nghiệp và nhất là sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Cơ sở vật chất của hệ thống thiết chế VH, TT từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư, cơ bản hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới của tỉnh.

Các thiết chế VH, TT ở cơ sở đã trở thành các điểm sinh hoạt VH, TT là địa chỉ thu hút đông đảo nhân dân đến để sinh hoạt văn hóa, rèn luyện thể chất và là phương tiện nhằm tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hệ thống thiết chế văn hóa và thể thao trên địa bàn tỉnh cũng đã được tăng cường quản lý theo quy chế và phân cấp cụ thể cho các cấp chính quyền địa phương. Công tác thanh tra, hậu kiểm đối với việc quản lý, tổ chức hoạt động tại thiết chế VH, TT trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm thực hiện.

II. HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Hạn chế

Thứ nhất, công tác triển khai thực hiện các quy hoạch thiết chế VH, TT thời gian qua còn nhiều bất cập. Các ngành, các cấp chưa quan tâm bám sát các quy hoạch hệ thống thiết chế VH, TT theo quy định của Chính phủ, Nghị quyết của HĐND tỉnh để xây dựng các kế hoạch, tham mưu bố trí nguồn lực hàng năm để thực hiện. Vì vậy, một số mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch nêu trong Nghị quyết của HĐND tỉnh chưa đạt kết qua đề ra, nhất là quy hoạch các thiết chế VH, TT cấp tỉnh (hầu hết các công trình văn hóa trọng điểm nêu trong Nghị quyết chưa được đầu tư xây dựng). Công tác quy hoạch, xây dựng các thiết chế VH, TT tại một số địa phương thiếu tính liên kết, chưa bố trí được các quỹ đất thuận lợi để kêu gọi đầu tư xã hội hóa.

Thứ hai, hệ thống thiết chế VH, TT ở các cấp vẫn còn thiếu. Ở cấp tỉnh nhiều thiết chế VH, TT xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, nhất là hệ thống nhà hát, bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao... ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ, tập luyện thể dục, thể thao; các thiết chế điện ảnh (các Rạp chiếu phim Đông Ba, Gia Hội, Hoàn Mỹ) không còn phát huy hiệu quả nhưng chưa có giải pháp xử lý phù hợp; mô hình quản lý và tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa Huyền Trân còn bất cập. Các thiết chế vui chơi, giải trí cho thanh thiếu nhi; các thiết chế VH, TT dành cho người lao động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp chưa được quan tâm đầu tư. Ở cấp cơ sở, mới có 68% xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà văn hóa; 70,8%, số thôn, bản, tổ dân phố có Nhà văn hóa, Nhà sinh hoạt cộng đồng. Trong đó, nhiều cơ sơ xuống cấp và chưa đạt chuẩn quy định.

Thứ ba, cán bộ lãnh đạo, phụ trách lĩnh vực VH, TT tại các địa phương thường xuyên thay đổi, biến động nên ảnh hưởng nhất định trong việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ VH, TT; đội ngũ cán bộ tác nghiệp VH, TT ở cấp xã, phường, thị trấn thiếu và yếu nên trong công tác tổ chức hoạt động vẫn còn khó khăn, hạn chế.

Thứ tư, mô hình tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế VH, TT ở cấp huyện, cấp xã chưa đồng bộ; công năng sử dụng còn hạn chế; nội dung và chất lượng hoạt động chưa cao để tạo ra môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, thể thao, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống ở cơ sở. Nhiều địa phương chưa có quy chế quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã; Nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm và có biện pháp để hỗ trợ hoạt động của Nhà Văn hóa thôn, bản, tổ dân phố; chưa khai thác, phát huy các các thiết chế văn hóa tâm linh như Đình làng trong tổ các hoạt động ở địa phương.

Thứ năm, việc bố trí nguồn lực địa phương, huy động xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động VH, TT còn hạn chế. Ở các xã phường, thị trấn, kinh phí dành cho hoạt động VH, TT còn rất khiêm tốn, không đủ để tổ chức các hoạt động. Các đơn vị sự nghiệp hoạt động trên lĩnh vực VH, TT chưa mạnh dạn đổi mới mô hình và hình thức hoạt động để nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế VH, TT. Cơ chế sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, liên doanh, liên kết nhằm tạo nguồn thu để phục vụ hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhất là các quy trình định giá tài sản, phê duyệt phương án cho thuê cơ sở vật chất.

2. Nguyên nhân

Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy hoạch thiết chế VH, TT chưa được các ngành, các cấp quan tâm đúng mức; nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa đầy đủ nên chưa chú trọng đúng mức đến các hoạt động VH, TT, chưa có những hành động quyết liệt để quan tâm phát triển VH, TT nói chung, đầu tư xây dựng các thiết chế VH, TT nói riêng.

Thứ hai, tổ chức bộ máy làm công tác quản lý thiết chế VH, TT ở các cấp vẫn còn nhiều bất cập, nhất là ở cơ sở; công chức văn hóa - xã hội ở cấp xã kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực nên việc tham mưu và xây dựng các chương trình hoạt động VH, TT tại địa phương chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.

Thứ ba, công tác đào tạo cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ cao chưa được quan tâm đúng mức, chưa có quy hoạch đào tạo cán bộ để trở thành chuyên gia giỏi trên lĩnh vực VH, TT để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách quản lý các thiết VH, TT cấp xã, thôn chưa thường xuyên; hình thức, phương pháp, nội dung bồi dưỡng, tập huấn chưa đa dạng, chưa hiệu quả.

Thứ tư, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho sự nghiệp phát triển VH, TT hằng năm ở các cấp còn quá thấp; nguồn đầu tư xây dựng các thiết chế VH, TT và mua sắm trang thiết bị còn hạn chế. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực VH, TT chưa cao, chưa tạo điều kiện thuận lợi để thu hút cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư tham gia xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế VHTT trên địa bàn.

IV. KIẾN NGHỊ

1. Đối với UBND tỉnh

1.1. Tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về thực hiện quy hoạch các thiết chế VH, TT các cấp trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, của người dân về tầm quan trọng của văn hóa, thể thao đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quan tâm chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch các thiết chế VH, TT trên địa bàn.

1.2. Chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các cấp, các ngành liên quan khẩn trương tổ chức rà soát lại việc thực hiện quy hoạch thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, đối chiếu với các quy định hiện hành, nhất là Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện, đảm bảo hiệu quả, thống nhất, phù hợp với nhu cầu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

1.3. Quan tâm sớm có định hướng quy hoạch địa điểm xây dựng các thiết chế văn hóa thiết yếu cấp tỉnh; nghiên cứu có kế hoạch bổ sung các công trình đầu tư trung hạn để hình thành nên các công trình văn hóa trọng điểm, có quy mô lớn, giá trị nghệ thuật cao. Trong đó, cần ưu tiên tập trung kinh phí đầu tư từ 01 đến 02 công trình trọng điểm văn hóa.

1.4. Tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực hoàn thành các dự án Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, Thư viện tổng hợp tỉnh, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế... để phát huy hiệu quả các thiết chế, tạo điểm nhấn cho Văn hóa Huế. Sớm bố trí địa điểm cho Bảo tàng Mỹ thuật hoạt động và có không gian để trưng bày các tác phẩm mỹ thuật có giá trị đã được trao tặng và sưu tầm trong thời gian vừa qua.

1.5. Chỉ đạo các ngành liên quan rà soát lại các thiết chế điện ảnh đã xuống cấp, hư hỏng như các Rạp Đông Ba, Gia hội, Hoàn Mỹ... để có phương án xử lý phù hợp, tránh lãng phí tài sản công. Nghiên cứu có mô hình tổ chức và quản lý Trung tâm văn hóa Huyền Trân phù hợp để phát huy hiệu quả của thiết chế văn hóa này trong thời gian tới.

1.6. Quan tâm rà soát hiện trạng quỹ đất, có phương án đầu tư để đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thể dục, thể thao đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia, quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu tập luyện, tổ chức thi đấu và đăng cai tổ chức các giải thi đấu quốc gia, quốc tế. Chỉ đạo UBND cấp huyện có quy hoạch quỹ đất, cân đối bố trí nguồn ngân sách và huy động các nguồn hợp pháp khác triển khai xây dựng hoàn thiện Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện, cấp xã; dành quỹ đất trong các khu kinh tế, công nghiệp, khu đô thị mới để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân và người lao động.

1.7. Nghiên cứu tham mưu để HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phát triển VH, TT, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển thiết chế VH, TT ở cơ sở; hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác quản lý văn hóa, thể thao, đội ngũ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật ở các cấp nhằm khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy phát triển VH, TT trên địa bàn tỉnh.

1.8. Tiếp tục chỉ đạo hình thành các mô hình hoạt động VH, TT ở cấp xã, phường, thị trấn và cấp thôn để tạo sự thống nhất trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các địa phương thành lập và ban hành Quy chế quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường, thị trấn; Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.

2. Đối với Sở Văn hóa và Thể thao

2.1. Rà soát, đánh giá thực trạng các thiết chế VH, TT trên địa bàn tỉnh, để tham mưu ban hành chương trình, kế hoạch phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh năm 2030 phù hợp với các quy định hiện hành; trong đó, quan tâm xây dựng các điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa, thể thao cho đối tượng thanh thiếu nhi.

2.2. Tham mưu, có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế VH, TT cấp tỉnh thuộc thẩm quyền quản lý. Tiếp tục hướng dẫn về tổ chức, hoạt động của các thiết chế văn hóa cấp xã, thôn cho phù hợp với thực tiễn để phát huy hiệu quả của các thiết chế VH, TT ở cơ sở. Nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương ban hành Quy chế hoạt động của các thiết chế VH, TT cấp xã, phường theo quy định.

2.3. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác VH, TT các cấp về quản lý, sử dụng và hoạt động của các thiết chế VH, TT; tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong tổ chức hoạt động tại các thiết chế VH, TT ở cơ sở.

3. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố

3.1. Tiếp tục rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất, kinh phí để từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế VH, TT trên địa bàn; có chính sách hỗ trợ các địa phương xây dựng, sửa chữa Trung tâm VH, TT cấp xã, Nhà văn hóa cấp thôn bị hư hỏng, xuống cấp.

3.2. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế VH, TT cấp huyện như Trung tâm Văn hóa - Thể thao, thư viện, nhà thi đấu thể thao, nhà trưng bày... tránh lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước. Riêng thành phố Huế cần quan tâm có giải pháp đầu tư phát huy hiệu quả hoạt động của Nhà Thiếu nhi Huế.

3.3. Ban hành Quy chế quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường, thị trấn; Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn.

3.4. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường vận động xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư và tổ chức có hiệu quả hoạt động VH, TT ở địa phương.

3.5. Tiếp tục bổ sung, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý hoạt động VH, TT, nhất là cấp xã, phường, thị trấn; kinh phí hỗ trợ cho đội ngũ phụ trách các thiết chế VH, TT cấp thôn.

3.6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm về quy hoạch, xây dựng và tổ chức hoạt động trong các thiết chế VH, TT trên địa bàn. Quan tâm thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đối với tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, tổ chức hoạt động và đóng góp xây dựng, phát triển các thiết chế VH, TT địa phương.

Trên đây là báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát về tình hình và kết quả triển khai thực hiện việc quy hoạch các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021.

Approved Trang thai