Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII
2.1.2023
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, trên cơ sở làm việc với một số cơ quan, đơn vị; xem xét báo cáo của UBND tỉnh về việc giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 4 và báo cáo của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri theo địa bàn, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo kết quả giám sát như sau:

1. Về tình hình và nội dung kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 4

Trước và sau kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa VIII, thông qua các Tổ đại biểu, cử tri toàn tỉnh đã gửi đến HĐND tỉnh 105 ý kiến, kiến nghị. Tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp theo nhóm vấn đề để trình bày trước HĐND, đồng thời chuyển các ý kiến, kiến nghị của cử tri đến UBND tỉnh để phân công, chỉ đạo giải quyết, trả lời cử tri theo đúng quy định. Trong đó có 40 kiến nghị liên quan đến đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, điện, nước sinh hoạt; 10 kiến nghị liên quan công tác quy hoạch, triển khai thực hiện và đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án; 04 kiến nghị liên quan đến công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; 10 kiến nghị liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường; 20 kiến nghị liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn và 21 kiến liên quan đến lĩnh vực pháp chế, văn hóa, y tế và chế độ, chính sách.

2. Kết qủa giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền

UBND tỉnh đã nghiêm túc, tích cực triển khai, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị cử tri với tinh thần trách nhiệm cao. Đến nay, có 105/105 ý kiến, kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri. Trong đó, có 45 ý kiến được UBND tỉnh giải trình, cung cấp thông tin đến cử tri; có 32 ý kiến, kiến nghị của cử tri đang được triển khai thực hiện và 28 ý kiến, kiến nghị được tiếp thu để nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết hoặc chuyển cơ quan cấp trên xem xét giải quyết. Đánh giá chung kết quả giải quyết như sau:

- Đối với các kiến nghị liên quan đến đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng: UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành, đơn vị kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng để căn cứ vào tính cấp thiết và cân đối nguồn lực để nghiên cứu xây dựng phương án đầu tư phù hợp. Một số công trình giao thông đã được quan tâm bố trí kinh phí thực hiện; xem xét bổ sung các dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và bố trí kinh phí hằng năm để duy tu sửa chữa, khắc phục các vị trí hư hỏng, xuống cấp đảm bảo giao thông đi lại cho bà con nhân dân; một số kiến nghị đã ghi nhận, tiếp thu, nghiên cứu phương án giải quyết khi điều kiện ngân sách cho phép. Các tuyến đường thuộc thẩm quyền của Bộ giao thông vận tải cũng đã được UBND tỉnh có văn bản chuyển Bộ giao thông vận tải xem xét giải quyết.

       + Đối với các kiến nghị đầu tư khắc phục, sửa chữa, nạo vét, khơi thông, xây dựng mới các công trình nông nghiệp: UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan và chính quyền địa phương điều hành, kiển tra, lập phương án để chủ động sửa chữa, khắc phục các điểm hư hỏng cục bộ, đảm bảo an toàn cho hệ thống các công trình nông nghiệp và diện tích đất sản xuất nông nghiệp; đồng thời, có kế hoạch di dời, sơ tán các hộ dân sinh sống ở ven sông, hói trong khu vực sạt lở khi mùa mưa bão đến.

- Đối với các kiến nghị liên quan đến quy hoạch; triển khai thực hiện và đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án: UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương căn cứ quy định của pháp luật về Quy hoạch định kỳ rà soát đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

- Đối với các kiến nghị đền bù, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sâu sát; các nhà đầu tư và các đơn vị liên quan đã tổ chức làm việc và thực hiện chi trả cho người dân đảm bảo đúng với phương án bồi thường đã được phê duyệt; việc xây dựng đơn giá bồi thường được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và được công bố công khai để người dân được biết và giám sát. Đối với các trường hợp vướng mắc liên quan đến chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh đang được các cơ quan chuyên môn địa phương phối hợp rà soát tổng thể để tham mưu UBND tỉnh có phương án giải quyết đồng bộ, dứt điểm, phù hợp với quy định hiện hành.

       - Đối với các kiến nghị liên quan đến môi trường: UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi gây ô nhiễm môi trường; điển hình như đã có những giải pháp, kế hoạch triển khai thực hiện triệt để, hiệu quả nhằm xử lý tình trạng bèo tây trôi dạt trên các tuyến sông liên huyện để góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, lưu thông dòng chảy…

3. Đánh giá chung

3.1. Ưu điểm

Việc tiếp nhận, giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh đã được UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan triển khai giải quyết, trả lời đầy đủ những vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị. Nội dung văn bản giải quyết, trả lời cơ bản tập trung vào những vấn đề trọng tâm mà cử tri quan tâm. Đối với những kiến nghị tỉnh chưa đủ nguồn lực, kinh phí để đầu tư, giải quyết cũng đã nêu rõ những khó khăn để cử tri hiểu, chia sẻ, xác định rõ trách nhiệm phối hợp trong việc giải quyết nên được cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh tiếp thu và chỉ đạo giải quyết kịp thời, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân, được người dân tin tưởng, ủng hộ.

3.2. Hạn chế, khó khăn, vướng mắc

a) Về những vấn đề chung

Đối với các Tổ đại biểu

- Việc tổng hợp kiến nghị cử tri gửi Thường trực HĐND tỉnh qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp của một số Tổ đại biểu còn chưa đảm bảo đúng thời hạn theo yêu cầu; một số kiến nghị nội dung còn chung chung, chưa rõ nên các cơ quan gặp khó khăn khi nghiên cứu để giải quyết, trả lời; một số kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, cấp xã vẫn được tập hợp đề nghị các cơ quan ở cấp tỉnh giải quyết[1].

- Thực hiện quy định của pháp luật về hoạt động giám sát[2], Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị các Tổ đại biểu HĐND tỉnh triển khai giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri[3]. Một số Tổ đại biểu đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ theo quy định, qua đó, góp phần giúp hoạt động giám sát của Thường trực HĐND và HĐND hiệu quả hơn[4]; tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số Tổ đại biểu chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri theo yêu cầu.

Đối với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan

- Việc xác định thẩm quyền, phân công cơ quan giải quyết chưa đúng nên còn xảy ra tình trạng nội dung thuộc thẩm quyền của cơ quan này nhưng lại phân công cơ quan khác giải quyết.

- Đa số kiến nghị của cử tri liên quan đến đầu tư, nâng cấp phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, chính sách xã hội... là những kiến nghị cần có thời gian, nguồn lực, lộ trình cụ thể theo khả năng ngân sách địa phương nhưng việc xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị chỉ được thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn (giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh) nên chất lượng giải quyết, trả lời vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

- Một số nội dung, các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan còn quá chú trọng tới việc trả lời các ý kiến, kiến nghị trước mắt mà chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết hoặc xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri. Một số kiến nghị cử tri triển khai giải quyết, trả lời còn chậm, chưa đúng thời hạn yêu cầu nên khó khăn cho đại biểu HĐND tỉnh trong việc thông tin, trả lời kiến nghị cử tri tại buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh[5].

- Một số nội dung trả lời chưa thể hiện cụ thể tình hình về công tác kiểm tra thực trạng vấn đề cử tri nêu, xác định mức độ ảnh hưởng, tính cấp thiết và phương án lộ trình, thời gian giải quyết để cử tri theo dõi, giám sát. Do đó, xảy ra tình trạng kiến nghị lặp đi lặp lại nhiều lần.

- Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành còn chưa chặt chẽ, kịp thời nên một số kiến nghị cử tri chưa được giải quyết thấu đáo. Trách nhiệm quản lý nhà nước và công tác phối hợp giữa ngành và lĩnh vực chưa được đồng bộ, một số nội dung được giao cần có sự phối hợp để giải quyết nhưng thiếu chủ động, đến thời điểm báo cáo kết quả thực hiện đơn vị được giao mới đề nghị giao cho cơ quan khác chủ trì giải quyết[6].

b) Về một số ý kiến, kiến nghị cụ thể:

Thứ nhất, một số vấn đề được cử tri quan tâm phản ánh qua nhiều kỳ họp đã được UBND tình xem xét giải quyết, trả lời nhưng chưa dứt điểm do chưa có lộ trình, thời gian giải quyết cụ thể hoặc cử tri chưa đồng tình với kết quả trả lời nên tiếp tục có kiến nghị như:

- Trụ sở làm việc của HĐND và UBND xã Lộc Tiến đang xuống cấp, diện tích chật hẹp, không đảm bảo điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức của xã; đồng thời, vị trí hiện tại không còn phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị Chân Mây - Lăng Cô.

- Việc đầu tư công trình nước sạch về các khu dân cư tại xã Lộc Thủy và thị trấn Lăng Cô gặp khó khăn, vướng mắc do UBND thị trấn Lăng Cô không thống nhất khai thác từ suối Mơ (Hói Mít) và khe Lớn (Hói Dừa).

- Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện miền Trung chưa hoàn trả đường dân sinh thôn A Tin, xã Thượng Nhật huyện Nam Đông và chưa giải quyết đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công đường dây 35KV, 22KV do một số người dân chưa đồng ý với phương án bồi thường của Công ty.

- Tuyến đường sản xuất A Rom - Pa Ring - Cân Sâm xã Hồng Hạ thuộc dự án BCC đã khởi công xây dựng từ năm 2013 đến nay nhưng vẫn chưa thông tuyến.

- Tình trạng ô nhiễm môi trường tại cụm công nghiệp Thủy phương[7]; vấn đề quy hoạch gây ảnh hưởng đến nhu cầu tách thửa, xây dựng, sửa chữa nhà của người dân[8]; vấn đề thu hồi các diện tích đất bỏ hoang, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất[9]; mở mương thoát nước từ trường THPT Thừa Lưu đến sông Dừa; một số chế độ chính sách liên quan được quy định tại Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND ngày 14/07/2020[10]

Thứ hai, một số công trình, dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương nhưng chưa được bố trí vốn để thực hiện hoặc gặp khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gây ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện như: Tuyến đường Xuân Ổ, Thủy Diện xã Phú Xuân; dự án Khu du lịch suối Voi của công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Hoa Lư - Huế; dự án nghĩa trang nhân dân xã Xuân Lộc.

4. Kiến nghị, đề xuất.

Để giải quyết kịp thời, thỏa đáng các kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị một số nội dung sau:

4.1. Những vấn đề chung:

Một là, đề nghị các Tổ đại biểu, các đại biểu HĐND tỉnh phát huy tốt vai trò, trách nhiệm theo quy định, tổ chức tiếp xúc cử tri, nâng cao chất lượng tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri; theo dõi, giám sát kết quả giải quyết, trả ý kiến, kiến nghị cử tri.

Hai là, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết kiến nghị của cử tri. Tập trung rà soát, có lộ trình, thời gian cụ thể giải quyết dứt điểm các kiến nghị, nhất là những kiến nghị mà cử tri quan tâm kiến nghị nhiều lần. Yêu cầu các sở, ngành, địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm, phối hợp đồng bộ trong việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri đảm bảo chất lượng và thời gian theo yêu cầu.

Ba là, UBND tỉnh chỉ đạo có giải pháp quyết liệt để hạn chế thấp nhất tình trạng gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống của người dân; thường xuyên quan trắc môi trường xung quanh các địa điểm có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường để đánh giá tác động và kịp thời có phương án xử lý.

Bốn là, tiếp tục quan tâm chỉ đạo và triển khai giải quyết tốt những kiến nghị liên quan đến công tác quy hoạch. Tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời vi phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trên địa bàn để nâng cao chất lượng quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

Năm là, sớm bố trí vốn và giải quyết những khó khăn vướng mắc để đưa các công trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt như đã nêu trên[11] để tổ chức thực hiện đảm bảo đúng với tiến độ và hạn chế thấp nhất tình trạng khi đưa dự án sử dụng chậm so với tiến độ được phê duyệt ban đầu hoặc việc kéo dài dự án làm tăng tổng mức đầu tư lớn, giảm hiệu quả của dự án và lãng phí nguồn lực.

4.2. Về một số ý kiến, kiến nghị cụ thể:

Một là, liên quan đến kiến nghị cử tri về chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, qua giám sát cho thấy, tại các báo cáo trong kỳ họp gần đây, UBND tỉnh đã tiếp thu chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tổng hợp khó khăn vướng mắc, đề xuất hướng xử lý giải quyết nhưng đến nay cử tri vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết, trả lời dứt điểm nên cử tri tiếp tục kiến nghị nhiều lần. Liên quan đến nội dung này, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn trao đổi, hướng dẫn cụ thể các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để cử tri đồng tình, chia sẻ. Đồng thời, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP báo cáo, kiến nghị Bộ Nội vụ, Chính phủ xem xét, sửa đổi.

Hai là, trụ sở làm việc của HĐND và UBND xã Lộc Tiến đã được xây dựng và sử dụng từ năm 1987, công trình hiện đang xuống cấp, không còn phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị Chân Mây - Lăng Cô. Việc đầu tư xây dựng mới trụ sở xã Lộc Tiến là rất cấp thiết, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh xem xét đề xuất bổ sung dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sử dụng ngân sách tỉnh để thực hiện nhằm đảm bảo điều kiện làm việc của cán bộ, công chức nhân dân xã Lộc Tiến.

Ba là, liên quan đến tuyến đường sản xuất A Rom - Pa Ring - Cân Sâm xã Hồng Hạ, UBND tỉnh đã giao[12] UBND huyện A Lưới rà soát, bổ sung danh mục đầu tư thuộc Chương trình Nông thôn mới để tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng đoạn tuyến còn lại. Tuy nhiên, xã Hồng Hạ là xã thuộc khu vực III, vùng dân tộc thiểu số và miền núi[13], do đó, không thực hiện danh mục đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình Nông thôn mới. Hiện nay, theo Nghị quyết 63-NQ/HĐND của HĐND tỉnh[14], xã Hồng Hạ có 01 danh mục đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc Dự án 4, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh giao UBND huyện A Lưới bổ sung danh mục đầu tư công trung hạn thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng đoạn tuyến còn lại, đưa vào sử dụng, đảm bảo giao thông thuận lợi cho người dân.

Bốn là, liên quan đến kiến nghị: Về mở mương thoát nước từ trường THPT Thừa Lưu đến sông Dừa trên tuyến Quốc lộ 1A đề nghị UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Cục Quản lý đường bộ II xem xét, giải quyết để đảm bảo nhu cầu chính đáng của cử tri và Nhân dân; về thu hồi 02 khu tập thể của Công ty đường bộ 4 do phần lớn bị bỏ hoang, gây lãng phí, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành, Trung ương  cho phép tỉnh tiếp nhận khu nhà đất nêu trên để có phương án quản lý, sử dụng phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát tổng thể trên địa bàn toàn tỉnh các trường hợp tương tự và các nhà đất, trụ sở… bị bỏ hoang, chưa sử dụng thuộc cấp tỉnh, cấp huyện quản lý (nếu có) để tập trung phương án quản lý, sử dụng phù hợp, tránh lãng phí.

Năm là, đề nghị UBND tỉnh đôn đốc, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi Trường sớm tham mưu UBND tỉnh tiến hành việc thu hồi diện tích 48,95 ha đất nuôi trồng thủy sản của Công ty Hawaii (tại thôn Trung Đồng xã Điền Hương) do bỏ hoang từ năm 2012 để giao cho chính quyền địa phương quản lý theo quy định.

Trên đây là Báo cáo giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh kính báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

 

[1]  Ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện, cấp xã chiếm tỷ lệ 24,1 % (23/105 ý kiến)

[2] Khoản 2, Điều 8 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015; Điều 19 và Điều 20 về nhiệm vụ của Tổ trưởng và các thành viên Tổ đại biểu trong hoạt động giám sát tại Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/09/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

[3] Công văn số 153/HĐND-TH ngày 14/11/2022.

[4] Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại A Lưới, Tổ Đại biểu HĐND huyện Phú Lộc.

[5] như: Công An tỉnh, Sở Xây dựng, bảo hiểm xã hội tỉnh...

[6] Theo Báo cáo số 486/BC-UBND, ngày 01/12/2021 của UBND tỉnh về Về việc tình hình tổ chức thực hiện việc giải quyết kiến nghị cử tri tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa VIII

[7] Kiến nghị về tình trạng ô nhiễm môi trường tại  cụm Công nghiệp phường Thủy Phương, Hương Thủy đã được kiến nghị tại  kỳ họp lần thứ 10, 11, HĐND tỉnh khóa VII, kỳ thứ 2 HĐND tỉnh khóa VIII...

[8] Quy hoạch khu Kinh tế Chân Mây lăng Cô, quy hoạch Đô thị mới An Vân Dương...

[9] 02 khu tập thể của Công ty đường bộ 4  (tại phường Phú Bài, TX Hương Thủy); diện tích 48,95 ha đất nuôi trồng thủy sản của Công ty Hawaii đóng tại thôn Trung Đồng, xã Điền Hương …

[10] Tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và tiếp tục tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa VIII đều có các nội dung liên quan một số chế độ chính sách được quy định tại Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND ngày 14/07/2020.

[11] Tuyến đường Xuân Ổ, Thủy Diện xã Phú Xuân; dự án Khu du lịch suối với Voi của công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Hoa Lư - Huế; dự án nghĩa trang nhân dân xã Xuân Lộc.

[12] Công văn số 12234/UBND-XD ngày 17/11/2022 giao

[13] Theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, Khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025

[14] Ngày 14/07/2022 của HĐND tỉnh về kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025

Approved Trang thai