Ban pháp chế HĐND tỉnh thẩm tra chuẩn bị kỳ họp thứ 4 tại Sở Tư pháp
11.7.2022
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Chiều ngày 08/7, Ban pháp chế HĐND tỉnh đã thẩm tra tại Sở Tư pháp về kết quả thực hiện công tác tư pháp 06 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2022 và tờ trình, dự thảo nghị quyết quy định mức chi thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tham dự và chỉ đạo buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thị Ái Vân - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Anh Dũng - Phó Trưởng ban Ban pháp chế, Phó Trưởng Đoàn thẩm tra và các đồng chí Ủy viên Ban pháp chế HĐND tỉnh. Về phía Sở Tư pháp có các đồng chí trong Ban Giám đốc Sở và đại diện lãnh đạo các phòng, đơn vị có liên quan.

Tại buổi làm việc, đại diện Sở Tư pháp đã khẳng định rằng: Kết quả công tác ngành tư pháp trong 06 tháng đầu năm 2022 đã được triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh, Bộ Tư pháp, trong đó một số nhiệm vụ công tác chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao. Công tác xây dựng văn bản QPPL được tiến hành bài bản hơn ngay từ khâu lập đề nghị xây dựng văn bản đến xây dựng và ban hành văn bản, đặc biệt là vị trí, vai trò thẩm định, góp ý của Sở Tư pháp được nâng cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được đổi mới bằng giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin. Công tác hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật được đẩy mạnh, góp phần ngăn ngừa các hành vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư. Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật đặc biệt được chú trọng triển khai thực hiện. Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội. Quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý tiếp tục được tăng cường; tổ chức và hoạt động bổ trợ tư pháp được hoàn thiện theo chủ trương xã hội hóa đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đóng góp vào việc cải cách tư pháp, phục vụ hiệu quả hoạt động của Tòa án và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tạn, hạn chế nhất định như: Đội ngũ tư vấn viên pháp luật tại các Trung tâm tư vấn pháp luật trên địa bàn tỉnh đều hoạt động kiêm nhiệm gây khó khăn trong việc sắp xếp thời gian tham gia tư vấn khi có yêu cầu; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định tư pháp còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ,...

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn thẩm tra đã tham gia một số ý kiến liên quan đến thẩm quyền, cơ sở pháp lý, nội dung dự thảo nghị quyết quy định mức chi thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; về bảo đảm trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật; công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại các đơn vị, địa phương; về công tác đăng ký khai sinh trên địa bàn tỉnh,...

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Ái Vân - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở Tư pháp, Sở Tài chính phân tích, đánh giá, làm rõ hiệu quả, chất lượng, tác động và nội dung của dự thảo nghị quyết quy định mức chi thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời, cần điều chỉnh một số nội dung tại phụ lục ban hành kèm theo dự thảo nghị quyết cho phù hợp.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Anh Dũng - Phó Trưởng ban Ban pháp chế HĐND tỉnh đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị trong 06 tháng đầu năm 2022, đề nghị đơn vị tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong thời gian tới và tiếp thu ý kiến tham gia của các thành viên Đoàn thẩm tra, hoàn chỉnh lại nội dung dự thảo nghị quyết cho phù hợp.

Đoàn Hữu Hào Vinh
Approved Trang thai