Trong thời gian qua, hai vụ ngộ độc thức ăn tập thể diễn ra liên tiếp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ cách nhau hai tuần. Trường hợp thứ nhất vào ngày 12/7 tại một đám cưới ở thôn Hiền Sỹ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền làm 73 người nhập viện và trường hợp thứ hai vào ngày 25/7 cũng là một đám cưới tại nhà hàng Thiên Phú, đường Tản Đà, phường Hương Sơ thành phố Huế làm 12 người bị ngộ độc. Sự việc xảy ra, dấy lên hồi chuông cảnh báo về việc ngộ độc tập thể diễn ra với nguy cơ lớn, phức tạp và khó kiểm soát, đều đó đòi hỏi sự phối hợp, vào cuộc của tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, mặc dù trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát, đồng thời kiên quyết xử phạt những trường hợp cố tình vi phạm, song vấn đề an toàn thực phẩm vẫn là đề đáng lo ngại, bởi trên thực tế vẫn còn tồn tại một số lượng lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ, các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, các điều kiện đảm bảo cho người lao động còn thiếu nên việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm ở tuyến huyện, thị, thành phố đạt tỷ lệ chưa cao. Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở một số phường, xã, thị trấn chưa được quan tâm đúng mức và thường xuyên, nhất là công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, giám sát bữa ăn đông người tại cơ sở. Ý thức trách nhiệm của một số nhà sản xuất, người kinh doanh thực phẩm còn hạn chế, người tiêu dùng thường sử dụng thực phẩm theo thói quen. Các biện pháp xử lý vi phạm ở cấp huyện chủ yếu là cảnh cáo, nhắc nhở, chưa nghiêm khắc, thiếu tính răn đe. Cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở cấp huyện và cấp xã còn thiếu, phụ cấp thấp.
Trò chuyện với tôi, ông Dương Xuân Hồng, Trưởng phòng thanh tra - Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nói rằng: “Với số lượng các điểm bán hàng nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh hộ gia đình rất nhiều… nên việc kiểm soát hết số lượng này khó có thể đảm bảo. Hơn nữa, kinh phí để tiến hành lấy mẫu test kiểm tra còn hạn chế nên rất khó khăn cho các cơ quan chức năng. Chúng tôi thiết nghĩ, vấn đề quan trọng là phải làm sao nâng cao nhận thức đối với người sản xuất kinh doanh, người buôn bán cũng như người tiêu dùng”. Bà Trương Thị Lan Hương - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho hay: “Quan trọng nhất là chính chúng ta bảo vệ sức khỏe cho chúng ta, bảo vệ chính gia đình mình nên mỗi người dân hãy trang bị cho mình kiến thức nhất định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với chi cục VSATTP, chúng tôi chỉ đạo phải tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, đặc biệt chú trọng nhất vào những thực phẩm có mối nguy cao trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Lĩnh vực VSATTP đang là vấn đề nóng bỏng, tình trạng ngộ độc thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, nhất là các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, kiểm tra, giám sát thường xuyên để công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trở thành vấn đề thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, cần nêu cao hơn nữa nhận thức từ người quản lý, người sản xuất đến người tiêu dùng với mục tiêu giữ gìn sức khỏe cho thế hệ chúng ta hôm nay và cả thế hệ con cháu chúng ta ngày mai.